Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 10 sự kiện tài chính 2015

10 sự kiện tài chính 2015

(ĐTTCO) – 2015 là năm cuối cùng thực hiện đề án tái cấu trúc NH. Đây cũng là năm hệ thống NH có nhiều biến động do NHNN mạnh tay hơn.

1. 3 NH bị mua giá 0 đồng

Đầu năm 2015, NHNN công bố chính thức trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), sau khi quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần và chuyển đổi mô hình thành NH thương mại TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo NHNN, VNCB đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành NH vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Với tổn thất tài chính nặng nề nhưng VNCB không có các giải pháp tái cơ cấu khả thi theo yêu cầu của NHNN. Diễn biến tương tự đã lặp lại tại NHTMCP Đại Dương (OceanBank) và NHTMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank). Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận trong năm qua bởi NHNN đã chọn phương án quốc hữu hóa những NH yếu kém thay vì cho phá sản để thực hiện các nghiệp vụ chi trả tiền gửi cho dân, đảm bảo an sinh, hoạt động có lãi để bù đắp các khoản thiếu hụt đó.

2. Tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch, lãi suất không giảm

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2015 cao hơn năm trước, đạt khoảng 18%. Theo đó, dòng vốn được phân bổ hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,3-0,5%/năm, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lạm phát hiện nay đang ở mức thấp, nhưng lãi suất vẫn đang ở mức cao bất thường; huy động bình quân 5%/năm, nhưng cho vay ngắn hạn 7-9%/năm, dài hạn 9-11%/năm.

3. Tiền đồng mất giá 5%

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, NHNN đã điều chỉnh kịp thời tỷ giá giữa tiền đồng và USD với biên độ tỷ giá được mở rộng lên mức 2% vào ngày 12-8, sau đó tăng tỷ giá thêm 1%. Sau đó vào ngày 19-8, NHNN tiếp tục nới biên độ tỷ giá lên 3% nhằm giảm bớt sức ép tâm lý trên thị trường. Như vậy trong năm 2015, tiền đồng đã giảm giá 5% so với USD. Trước bối cảnh tỷ giá VNĐ/USD trong năm 2016 tiếp tục được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói về một cơ chế tỷ giá mới trong những ngày cuối năm. Cụ thể, tỷ giá thay vì được ghìm chặt trong một thời gian dài như vừa qua sẽ được điều chỉnh lên xuống theo ngày để sát với thị trường và tránh đầu cơ.

4. Thanh toán điện tử bùng nổ

Kể từ đầu tháng 12-2015, các NH chỉ cho phép doanh nghiệp nộp thuế qua hình thức điện tử thay vì nộp tại quầy như trước đây, các cá nhân tạm thời có thể nộp thuế bằng tiền mặt. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, hiện cơ quan này đã phối hợp với 43 NH triển khai thu thuế điện tử và số doanh nghiệp đăng ký nộp qua NH cũng đạt gần 91%. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường thanh toán điện tử, do đó cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử.

5. Lãi suất tiền gửi USD về 0%

Từ nay người gửi USD không còn nhận được đồng lãi nào (0%) sau thông báo vào cuối ngày 17-12 của NHNN. Quyết định này được NHNN đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) thông báo tăng 0,25% lãi suất USD. Mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ và tăng tính hấp dẫn của tiền đồng. Nhiều đề xuất đưa ra NHNN có thể tính tới cả việc đưa lãi suất USD xuống mức âm, tức gửi USD vào NH còn phải trả phí – điều mà nhiều nước thực hiện để hạn chế người dân găm giữ USD trong tài khoản.

6. Làn sóng sáp nhập NH

Trong năm qua, thị trường đã chứng kiến những cuộc “hôn nhân” lớn trong lĩnh vực NH. Đó là BIDV sáp nhập MHB, Maritimebank với MDB, SouthernBank nhập về Sacombank. Bên cạnh đó là các thương vụ SHB sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex, MB sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà. Theo đánh giá của Chính phủ, trong 4 năm qua, hệ thống NH dần đi vào ổn định. Nợ xấu cơ bản đã được kiềm chế, các NH yếu kém đã được sáp nhập vào các NH khác mạnh hơn. Thành công lớn nhất của việc tái cơ cấu hệ thống NH đó là đã xử lý được số lượng không nhỏ các NH yếu kém, nhưng không để xảy ra đổ vỡ, gây hoảng loạn hệ thống.

7. Câu chuyện về những banker

Một sự kiện hiếm trên thị trường tài chính Việt Nam đã xảy ra, đó là ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, SouthernBank và NH sau sáp nhập (thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan) sẽ giao cho NHNN. Không riêng trường hợp ông Trầm Bê trong năm qua, ông Trần Phương Bình cũng không còn là Tổng giám đốc DongABank sau 23 năm gây dựng và dẫn dắt DongABank. Ông Bình đã tự tay viết thư xin lỗi đến khách hàng và cổ đông NH sau khi NH này bị kiểm soát đặc biệt vì những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng giai đoạn trước năm 2012. Ông Lê Hùng Dũng xin từ nhiệm chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Cao Sỹ Kiêm xin thôi Chủ tịch DongABank… hay trước khi NHNN mua lại 3 NH với giá 0 đồng hàng loạt nhân sự chủ chốt tại các đơn vị này đã bị bắt.

8. 40 NHTM đủ điểu kiện bảo lãnh dự án bất động sản

Từ giữa năm 2015, nhiều NH liên tục tổ chức ký kết hợp đồng tài trợ vốn và bảo lãnh dự án bất động sản hình thành trong tương lai. Làn sóng các NH tham gia bảo lãnh dự án bất động sản tiếp tục bùng nổ ở những tháng cuối năm với cả sự tham gia của NH nước ngoài. Cuối năm 2015, NHNN cũng có văn bản yêu cầu các NHTM chủ động xây dựng quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản và Thông tư 07. Đến nay tổng số NH được cấp phép bảo lãnh lên 40 NH và nhiều chuyên gia cho rằng tín dụng bất động sản sẽ còn tích cực trong thời gian tới.

9. Dồn dập đấu giá cổ phần NH

Để thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhằm sắp xếp lại vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, theo đó hoạt động đấu giá cổ phần NH của nhiều doanh nghiệp nhà nước được liên tục thực hiện. Trong năm qua, cổ phần của các NH được đưa ra đấu giá có SCB, OCB, Techcombank, Maritimebank, SeABank, ABBank, VietABank, SaigonBank. Đáng nói trong đó có nhiều buổi đấu giá đã không thể thực hiện do không có nhà đầu tư tham gia mua dù mức giá khởi điểm khá thấp xung quanh mệnh giá hoặc chỉ bằng nửa mệnh giá.

10.  Chốt lãi suất vay dân sự tối đa 20%/năm

Tại Bộ luật dân sự (sửa đổi) 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 24-11, quy định mức lãi suất cố định ngay trong bộ luật tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn theo quy định trên. Mặc dù thời gian chính thức áp dụng từ ngày 1-1-2017 và việc thực hiện vẫn còn phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng một số ý kiến cho rằng mức 20%/năm nếu áp dụng đối với lãi suất vay tiêu dùng sẽ thực sự gây khó khăn cho NH và công ty tài chính, bởi lãi suất cho vay ở lĩnh vực này hiện đã lên đến mức 45-65%/năm.

Minh Xuân (tổng hợp)