Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 3 yếu tố tác động đến làn sóng FDI vào Việt Nam năm 2015

3 yếu tố tác động đến làn sóng FDI vào Việt Nam năm 2015

Chúng ta hội nhập thế giới, trước hết phải thấy tiềm lực của kinh tế chúng ta đã lớn hơn trước rất nhiều, mặc dù chưa phải như chúng ta muốn.

3 yếu tố tác động đến làn sóng FDI vào Việt Nam năm 2015

Đánh giá về làn sóng FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) cho rằng làn sóng FDI vào Việt Nam năm 2015 chắc chắn sẽ phát triển hơn.

Theo GS Nguyễn Mại, có 3 điểm đáng chú ý tác động đến làn sóng FDI vào Việt Nam năm 2015.

Thứ nhất, đó là tình hình biến động căng thẳng của thế giới: quan hệ Nga-Mỹ, Ucraina, IS tự xưng, Afghanistan, ngay cạnh chúng ta Thái Lan không ổn định, Campuchia cũng không ổn định.

Về kinh tế thế giới, theo ông Mại, có những dự đoán rất lạc quan, nhưng cũng có dự đoán rất bi quan. Nhiều ý kiến cho rằng năm 2015 kinh tế Mỹ phát triển nhanh hơn, Châu Âu có thể phục hồi, dù kinh tế Trung Quốc hay Brazil có vấn đề nhưng kinh tế thế giới nói chung vẫn tăng trưởng. Nhưng cũng có nhiều dự đoán kinh tế thế giới không biết sẽ thế nào, như việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro sẽ thành chuyện lớn, chiến tranh ở Ucraina tiếp diễn, sự đối đầu giữa Nga với EU còn căng thẳng.

Nhưng theo GS Nguyễn Mại, chúng ta cũng thấy những triển vọng về Việt Nam.

Rõ ràng khi các hiệp định chúng ta sắp ký kết như TPP, FTA Việt Nam-EU, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus, Cộng đồng ASEAN, khi nói đến đó người ta thường hay nói đến triển vọng rất lớn của kinh tế Việt Nam.

Theo GS Nguyễn Mại, quy mô kinh tế của Việt Nam đã lớn hơn trước rất nhiều. “Kinh tế chúng ta cũng không phải dăm ba chục tỷ USD như cũ, năm 2014 là GDP của chúng ta vào khoảng hơn 200 tỷ USD rồi, trong khi một nước giàu nhất trong ASEAN như Singapore cũng trên 200 tỷ USD một tý thôi. Tất nhiên chúng ta chưa bao giờ có thể hài lòng về quy mô GDP như vậy, nhưng so với trước thì quy mô ấy khá hơn nhiều.

Xuất khẩu của chúng ta là 150 tỷ USD. Năm 2014 chúng ta là quán quân của ASEAN xuất khẩu sang Mỹ, tức là vượt cả Indonesia, Malaysia, Thái Lan, vị thế của chúng ta trong khu vực này, kể cả tham gia cộng đồng ASEAN khác trước rất nhiều. Nếu không có thế thì sao Mỹ cho chúng ta là một trong 12 nước tham gia đầu tiên trong sáng kiến thành lập TPP. Còn những nước gia nhập sau là phải đi xin.

Chúng ta hội nhập thế giới, trước hết phải thấy tiềm lực của kinh tế chúng ta đã lớn hơn trước rất nhiều, mặc dù chưa phải như chúng ta muốn. Tiếng nói của chúng ta hiện nay cũng được coi trọng hơn trước rất nhiều. Khi chúng ta hội nhập như vậy thì điều kiện để chúng ta thâm nhập vào thị trường các nước như Mỹ, chúng ta không bị rào cản thuế quan, thuế phần lớn về bằng 0%”.

Theo GS Nguyễn Mại, bây giờ cũng đang có một làn sóng mà chúng ta cần nhận ra, là hiện nay chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc, năm 2014 là 28 tỷ USD. Nếu không có nhập siêu từ Trung Quốc thì chúng ta cũng chẳng có xuất khẩu 150 tỷ USD. Không có Trung Quốc một năm cung cấp 4 tỷ mét vuông vải thì không có hàng may mặc Việt Nam xuất đi các nước. Da giày cũng chủ yếu từ Trung Quốc, linh kiện, máy điện thoại cũng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất nhiên chúng ta không thể phụ thuộc mãi mãi vào một nước như thế này, nhưng phải đánh giá rằng chúng ta đang lợi dụng từ Trung Quốc, tạo ra hàng chục triệu việc làm và xuất khẩu 150 tỷ USD, trong đó dệt may là 24-25 tỷ USD, da giày 7-8 tỷ USD. Vấn đề là phải tự lập và giảm dần.

Nhưng bây giờ có câu chuyện TPP. Rõ ràng thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn Trung Quốc theo một cách khác. Trung Quốc đang chạy đua vào Việt Nam để sản xuất tại chỗ, tức là dệt và nhuộm ở đây, thậm chí là cả may mặc ở đây.

“Bên Hiệp hội chúng tôi cho rằng Chính phủ nên lưu ý cho dệt nhuộm một phần nào thôi, may mặc một phần nào thôi, nếu không người ta sản xuất từ A-Z thì rất nguy cho Việt Nam. Rõ ràng, nếu không có tính hấp dẫn từ TPP thì làm gì có câu chuyện các nhà máy chuyển vào đây để xuất khẩu sang Mỹ, xuất khẩu sang các nước TPP được. Mỹ cũng thấy điều đó. Ông đại sứ Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ đưa đầu tư của Mỹ vào Việt Nam lên vị trí số 1, cũng là do môi trường mới của Việt Nam và tính hấp dẫn trực tiếp từ TPP. Với Mỹ, thường thì thương mại đi trước và đầu tư đi sau. Như vậy nhân tố từ bên ngoài chúng ta chúng ta chưa dự đoán được, nhưng nhân tố bên trong trước hết là các hiệp định thương mại và cộng đồng ASEAN (AEC) vào 1/12/2015”, ông Nguyễn Mại chia sẻ.

Yếu tố thứ ba về làn sóng đầu tư là từ tháng 7/2014, có một sự chuyển hướng rất rõ về môi trường đầu tư nếu nhìn vào đánh giá của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như dư luận thế giới. Từ tháng 6/2014 trở về trước người ta ca cẩm rất nhiều về môi trường đầu tư.

Chúng ta đã cải thiện được môi trường đầu tư từ tháng 7 khi Thủ tướng Chính phủ Quyết định cải cách hành chính theo kiểu lấy mức thuế của OECD và hải quan là ASEAN-6 làm chuẩn mực. Và đặc biệt là không quan trọng cái chế độ tập thể mà quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Trách nhiệm cá nhân được đề cao như vậy là rất thay đổi.

Theo GS Nguyễn Mại, một điểm đặc biệt của môi trường đầu tư 2015 đó là việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và đưa ra những cái mới như bỏ dấu hoặc đăng ký rất nhẹ nhàng, cộng với sửa đổi luật về thuế, thì rõ ràng một loạt tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trung Nghĩa