Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, giảm so với tháng trước nhưng tăng gần 20% so với cùng kỳ.
.

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Đề xuất nghỉ sớm 3 ngày trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có đề xuất nghỉ trước Tết ít nhất là 3 ngày cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Nếu việc điều chỉnh này được ban hành sẽ góp phần giảm bớt áp lực về tàu xe và ùn tắc giao thông.

Nguyên nhân do trong dịp Tết năm ngoái, thời gian nghỉ trước Tết ngắn và gần Tết, nên trong những ngày cuối cùng của năm những người đi làm xa, học sinh, sinh viên xa nhà thường đổ dồn về quê khiến giao thông và công tác vận tải gặp nhiều khó khăn.

Như vậy số ngày nghỉ sau Tết sẽ được giảm bớt để bù cho những ngày trước Tết.

Trước đó, thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, các trường sẽ nghỉ Tết Giáp Ngọ từ ngày 25/1 đến 9/2/2014 (tức là từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch).

Bên cạnh đó, với cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động ngoài thành phố, là đoàn viên công đoàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ít nhất 3 năm liền chưa về quê… được hỗ trợ tiềnvé xe. Còn những người có hoàn cảnh khó khăn, không thể về quê ăn Tết sẽ tham gia họp mặt “Vui Tết”, tạo không khí ấm áp như trong gia đình.

Tháng 11 tiếp tục xuất siêu tiếp 50 triệu USD

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có tháng thứ hai liên tiếp xuất siêu, thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại xuống còn 96 triệu USD.

Tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, giảm so với tháng trước nhưng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ở mức thấp hơn, đạt 12,25 tỷ USD khiến cả nước ước tiếp tục xuất siêu 50 triệu USD trong tháng này, sau khi đã xuất siêu 100 triệu USD trong tháng trước.

Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ đạo với tổng kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD (chiếm 67%), tăng 23%, trong khi khu vực trong nước đạt gần 40 tỷ USD và chỉ tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm điện thoại và linh kiện, gỗ, thủy sản, giày dép…

CPI của Hà Nội dự báo tăng nhẹ khoảng 0,2% so với tháng trước

Thời điểm cuối năm sức mua tăng, nhưng dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội lại thấp. Sở Công Thương Hà Nội dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 chỉ tăng khoảng 0,2% so với tháng 11.

Lý giải vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, thị trường cuối năm có nhiều yếu tố tích cực giúp giá cả hàng hóa ổn định. Đó là, nguồn cung hàng hóa về cơ bản được đảm bảo, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập còn eo hẹp, chương trình bình ổn giá cả thị trường đang được tiếp tục triển khai.

Nhưng với nhóm hàng thực phẩm, hiện tại nguồn cung thịt gia súc, gia cầm vẫn đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân, dự báo giá cả ổn định trong tháng cuối năm. Nhóm hàng rau củ trong thời gian tới vào đợt trồng và thu hoạch rau vụ đông, nguồn cung rau tăng lên, giá cả ổn định.

127 tập đoàn, tổng công ty nợ gần 1,35 triệu tỷ đồng

127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – Công ty con có tổng số nợ 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.

Đây là một trong rất nhiều con số đáng chú ý ở báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Theo báo cáo, kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp này cho biết các thông tin: tổng tài sản 2.569.433 tỷ đồng vốn chủ sỡ hữu 1.019.578 tỷ, doanh thu đạt 1.709.171 tỷ, lợi nhuận trước thuế là 166.941 tỷ, nộp ngân sách 221.673 tỷ.

Trong khi khối các tập đoàn lợi nhuận đạt 125.187 tỷ đồng, tăng 12% thì khối tổng công ty chỉ đạt 26.965 tỷ và tăng 2% so với năm trước.

Mặc dù nhận xét khối tổng công ty có mức tăng trưởng chậm, song Chính phủ khẳng định các tập đoàn, tổng công ty vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc.

ANZ: FDI giúp kinh tế Việt Nam cất cánh

Ngày 26/11 vừa qua, ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam cũng như đưa ra dự báo cho những tháng tới.

Theo đó, ANZ nhận định các số liệu kinh tế vĩ mô trong tháng 11 như xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lạm phát… cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện. ANZ tin rằng kinh tế Việt Nam đang đi lên dưới sự dẫn dắt của dòng vốn FDI rất dồi dào.

Tháng 11, FDI đổ vào Việt Nam tăng 89,9% so với cùng kỳ năm ngoái với nguyên nhân chủ yếu là do những hứa hẹn sẽ thay đổi đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Doanh số bán lẻ tăng 12,6% kể từ đầu năm tới nay. Lạm phát tiếp tục giảm xuống và đã giảm 3 tháng liên tiếp.

ANZ dự báo lạm phát của cả năm 2013 sẽ ở mức 6,6% – nằm trong mức dự báo 6 – 8% mà ANZ đưa ra ban đầu. Theo ANZ, lực cầu nội địa vẫn ở dưới mức tiềm năng. Lạm phát năm 2014 sẽ tăng lên và nằm trong khoảng 7,5 – 8%.

Ernst & Young: “Kinh tế Việt Nam có triển vọng lạc quan”

Hãng kiểm toán Ernst & Young (EY) vừa công bố báo cáo về dự báo quý các thị trường tăng trưởng nhanh mà hãng đưa vào theo dõi.

Theo EY, các thị trường tăng trưởng nhanh có xu hướng tăng trưởng chậm lại và cần thực hiện tái cấu trúc. Tuy nhiên, Việt Nam lại được dự báo có triển vọng lạc quan trong thời gian tới, đạt tăng trưởng GDP 5,2% năm 2014, sau đó là 7% vào năm 2016-2017.

Theo bảng xếp hạng rủi ro nóng trong báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 25 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ có thể bị tác động nhiều nhất bởi 7 yếu tố rủi ro, trong đó tỉ lệ nợ nước ngoài, nợ công, lạm phát năm 2012, tăng trưởng tín dụng 2010-2012 và tỉ lệ dự trữ ngoại hối cho nhập khẩu 2012 đều ở mức độ rủi ro cao.

Tuy vậy, EY lại nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam cũng có triển vọng lạc quan trong thời gian tới. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam giữ ở mức 5,0% tương đương với mức tăng trưởng năm 2012, là do sự đi xuống của các thị trường xuất khẩu và tỷ giá lãi suất cao từ đầu năm.

Nhưng trong năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 5,2%, sau đó đạt đỉnh 7% vào năm 2016-2017.

WB đang tài trợ TPHCM 4 dự án gần 5.000 tỷ đồng

Theo Sở kế hoạch và đầu tư TPHCM, từ năm 1993 đến nay, TP đã vận động và triển khai 83 dự án ODA với tổng trị giá tài trợ khoảng 104.429 tỷ đồng. Đến năm 2012 đã hoàn thành 58 dự án với trị giá giải ngân 27.863 tỷ đồng đạt 27% tổng trị giá ODA cam kết tài trợ, trong đó có 8 dự án WB tài trợ đã hoàn thành với tổng trị giá 6.257 tỷ đồng.

Những dự án do WB tài trợ hoàn thành toàn bộ hay từng phần đã góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật như dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án nâng cấp đô thị TP…

Hiện tại, TP đang triển khai thực hiện 23 dự án với tổng trị giá vốn tài trợ ODA 93.046 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án do WB tài trợ trị giá 4.992 tỷ đồng.

Công Vân

Theo Trí Thức Trẻ