Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Theo số liệu công bố của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,4 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 5,47 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,93 tỷ USD.

.


Xăng giảm 300 đồng/lít

Theo yêu cầu giảm giá xăng dầu của Liên Bộ Tài Chính-Công Thương, từ 20h tối ngày (22/8), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thực hiện giảm giá xăng dầu.

Giá xăng bán lẻ A92 giảm 300 đồng/lít, từ mức 24.570 đồng/lít xuống còn 24.270 đồng/lít. Giá xăng A95 giảm 300 đồng/lít từ 25.070 đồng/lít xuống còn 24.770 đồng/lít.

Dầu Mazut No2B (3,5S) giảm 260 đồng/kg từ 18.770 đồng/kg xuống còn 18.510 đồng/kg. Dầu Mazut No2B (3,0S) cũng giảm ở mức 260 đồng/kg, từ 19.070 đồng/kg xuống còn 18.810 đồng/kg. Như vậy so với mức yêu cầu giảm tối thiểu 257 đồng/kg của Liên Bộ Tài Chính-Công Thương mức giảm của Mazut của Petrolimex giảm thêm 3 đồng.

Mặt hàng diezel giữ nguyên giá theo yêu cầu của Liên bộ Tài Chính- Công Thương. Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu điêzen tăng thêm 100 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên 400 đồng/lít).

Nửa đầu tháng 8 nhập siêu 455,7 triệu USD

Theo số liệu công bố của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,4 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 5,47 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,93 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/08/2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 158,4 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 78,74 tỷ USD, nhập khẩu đạt 79,63 tỷ USD.

Như vậy, nửa đầu tháng 8 cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 455,7 triệu USD, nâng mức thâm hụt từ đầu năm đến ngày 15/08/2013 là 888,6 triệu USD.

Về xuất khẩu, lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 8 có 16 nhóm hàng/mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với giá trị xuất khẩu 12,3 tỷ USD.

CPI tháng 8 tại TP.HCM tăng 0,31%

Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong tháng Tám, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn đã có mức tăng 0,31% so với tháng trước.

Như vậy, nếu so với đầu năm, chỉ số CPI có mức tăng 1,26% và so với cách đây một năm có mức tăng 3,17%.

Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng 0,19% (trong đó mặt hàng lương thực tăng 0,54%, thực phẩm tăng 0,22% và ăn uống ngoài gia đình đứng giá).

Nhóm hàng có mức tăng giá mạnh nhất là nhóm giao thông tăng tới 1,24%. Các nhóm hàng khác có mức tăng nhẹ là nhà ở-điện-nước-chất đốt (tăng 0,58%), đồ uống và thuốc lá (tăng 0,28%), văn hóa-giải trí và du lịch (tăng 0,28%), may mặc-mũ nón-giày dép (tăng 0,19%), thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,03%), hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,03%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,02%).

CPI Hà Nội tháng 8 bất ngờ tăng mạnh 3,16% do dịch vụ y tế

Với báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hà Nội cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng – CPI tháng 8 tăng 3,16% so tháng trước, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,19% so tháng 12/2012.

CPI tháng 8 tăng cao là do sự tăng giá của 10 nhóm hàng, trong đó có 3/11 nhóm hàng có chỉ số tăng cao. Tăng cao nhất là nhóm y tế – tăng 63,94%, do tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc Hà Nội.

Việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã khiến nhóm y tế có chỉ số tăng cao, đẩy chỉ số CPI chung của tháng lên cao. Theo Cục Thống kê Hà Nội, nếu không tăng giá y tế, CPI tháng 8 chỉ tăng 0,59%.

FDI đăng ký 8 tháng đạt hơn 12,5 tỷ USD

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 8 và 8 tháng đầu năm.

Theo báo cáo này, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2013 đạt gần 12,63 tỷ USD, bằng 119,5% cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đăng ký của 769 dự án được cấp phép mới đạt hơn 7,4 tỷ USD, bằng 92,2% số dự án và bằng 112,2% số vốn cùng kỳ năm 2012. Vốn đăng ký bổ sung của 297 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 5,22 tỷ USD.

Vốn FDI thực hiện 8 tháng ước tính đạt 7,6 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến từ tháng 1/2014 sẽ thực hiện thí điểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam

Sáng ngày 19/08/2013 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA) đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các thí điểm chính sách Bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam”, được tài trợ bởi CTCP Quản lý Quỹ VinaWealth.

Đối với quản lý hoạt động đầu tư quỹ, Nhà nước sẽ quy định 75% tài sản của quỹ đầu tư vào trái phiếu chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, có thanh khoản và có mức lợi nhuận.

Thời gian thí điểm dự kiến từ 3 – 5 năm đối với mô hình thực hiện hưu trí bổ sung, thực hiện từ tháng 1/2014. Molisa triển khai chương trình này không phát sinh bộ máy mới, sử dụng cơ sở hạ tầng của NH giám sát, công ty quản lý quỹ…

Samsung muốn xây nhà máy thứ 3 tại Việt Nam ngay tháng 10/2013

Theo Bộ Công Thương cho hay công ty Samsung Electro – Mechanics vừa đề xuất triển khai dự án nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên ngay đầu tháng 10/2013.

Dự kiến Dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD này của công ty Samsung Electro – Mechanics sẽ đi vào sản xuất trong tháng 8/2014. Khi đó, Tập đoàn Samsung sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,7 tỷ USD. Samsung Electro – Mechanics hiện đã có nhà máy tại Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Dự án đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên là nhà máy thứ 9 của công ty.

Đánh giá cao các kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam, ông Dương Ngọc Long – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty Samsung Electro – Mechanics sớm triển khai Dự án và đi vào sản xuất.

Công Vân

Theo Trí Thức Trẻ