Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 8 tháng: Xuất siêu 2,45 tỷ USD

8 tháng: Xuất siêu 2,45 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2016, cả nước xuất siêu 2,45 tỷ USD. Đây được coi là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm

Tín hiệu tích cực

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước ước đạt 112,19 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kim ngạch nhập khẩu (NK) ước đạt 109,74 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại đang nghiêng về xuất siêu với 2,45 tỷ USD sau 8 tháng. Đây là kết quả đáng ghi nhận bởi cùng kỳ năm 2015, cả nước đã nhập siêu 3,6 tỷ USD.

Một trong những điểm sáng nhất đóng góp cho con số xuất siêu ấn tượng của cả nước chính là trong bối cảnh XK gặp nhiều khó khăn, nước ta vẫn xuất siêu rất cao vào nhóm các nền kinh tế lớn (G20). Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước G20 trong 7 tháng đầu năm tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 77% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch XK đạt 75,22 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ; kim ngạch NK đạt 73,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ; xuất siêu 2,02 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta đạt mức kim ngạch XK hơn 2 tỷ USD sang các nước G20.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong nhóm các nước G20, tiếp theo là Hoa Kỳ, cuối cùng là EU. Việc trao đổi thương mại gia tăng giữa Việt Nam và các nước G20, đặc biệt là khu vực EU giúp nâng cao giá trị XK, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc thương mại ở một vài nhóm nước, khu vực truyền thống. Đặc biệt, cùng kỳ năm trước, Việt Nam nhập siêu từ khối thị trường này 5,7 tỷ USD, trong khi năm nay xuất siêu, cho thấy hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và nâng cao giá trị XK.

Tiếp tục nỗ lực tăng xuất khẩu

8 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn nhưng Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, kim ngạch XK hàng hóa sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm do xu hướng phục hồi giá hàng hóa thế giới. Khu vực FDI được kỳ vọng tiếp tục là nhân tố chủ lực trong cả hai lĩnh vực XK và nhập khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới khi nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng mạnh.

Hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và nâng cao giá trị xuất khẩu

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Công văn số 6817/VPCP-KTTH về các giải pháp thúc đẩy XK những tháng cuối năm. Công văn chỉ rõ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các nội dung kiến nghị được Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo tại Văn bản số 6907/BCT-XNK ngày 27/7/2016; trả lời và hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) liên quan thực hiện. Theo văn bản này, Bộ Công Thương đã kiến nghị các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, chính sách thuế, phí cho DN XK, đồng thời phối hợp linh hoạt hơn để hỗ trợ DN XK tháo gỡ khó khăn, nâng cao kim ngạch trong những tháng cuối năm.

Bà Phan Thị Diệu Hà – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

Một trong những chỉ tiêu được Quốc hội giao là mức nhập siêu cho cả năm nay không vượt quá 5% kim ngạch XK. Với con số xuất siêu 2,45 tỷ USD sau 8 tháng, chỉ tiêu Quốc hội giao hoàn toàn có cơ sở đạt được.

Phương Lan