Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 8 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 21/04 – 26/04

8 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 21/04 – 26/04

Xuất siêu gần 700 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, HSBC kỳ vọng giá cả tại Việt Nam tăng nhẹ trong 2 tháng tới, lạm phát thấp do sức mua yếu.. là những thông tin nổi bật trong tuần qua

8 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 21/04 - 26/04

Giá xăng tăng thêm 210 đồng/lít

Trưa ngày 22/4 vừa qua, Bộ Tài chính đã ra văn bản cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, từ 12g trưa nay xăng tăng tối đa là 210 đồng/lít; diesel tăng tối đa tối đa là 170 đồng/lít và dầu hỏa tăng 130 đồng/lít. Sau khi tăng giá, giá xăng A92 của Petrolimex là 24.900 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 23.820 đồng/lít và dầu hỏa là 22.480 đồng/lít.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán dầu madút tối thiểu là 61 đồng kg, nghĩa là giá bán sau khi điều chỉnh không được cao hơn 18.299 đồng/kg). Bộ này lý giải do giá thế giới bình quân 30 ngày đối với dầu madút giảm.

Căn cứ để có quyết định nêu trên, Bộ Tài chính cho hay, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều hành 11-4 nhìn chung có xu hướng tăng. Cụ thể, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày (từ ngày 23-3 đến 21-4): xăng RON 92: 116,49 USD/thùng; dầu diezen 0,05S: 122,15 USD/thùng; dầu hỏa: 119,95 USD/thùng, dầu madut 180 cst 3,5S: 597,64 USD/tấn.

Nền kinh tế đã thoát đáy từ giữa năm 2013

Sáng 24/4 vừa qua Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã công bố hai báo cáo quan trọng đó là Tổng quan thị trường tài chính 2013 và Kinh tế vĩ mô 2013 – triển vọng 2014.

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2013 cho thấy “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt, thể hiện qua việc năm 2013 tổng tài sản của hệ thống TCTD tăng, cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực hơn; thanh khoản của hệ thống tăng lên; hệ số an toàn vốn luôn cao hơn mức tối thiểu theo quy định là 9%.

Còn Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 – triển vọng 2014 đã mang đến một góc nhìn khá toàn diện về môi trường kinh tế trong nước và thế giới. Theo Báo cáo, năm 2013 nhìn chung nền kinh tế gặp khá nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp do tổng cầu yếu.

Báo cáo nhận định, triển vọng đạt mức tăng trưởng 5,8% của Việt Nam là khả quan; còn lạm phát sẽ ở mức 5% trong năm 2014.

Lạm phát thấp do sức mua yếu

Nhận định về lạm phát năm 2014 của 2 Ủy ban trên càng có cơ sở khi theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 0,88% so với cuối năm 2013 – thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Nguyên nhân một phần cũng do sức mua yếu và chậm phục hồi. Nhìn vào từng nhóm hàng hóa, dịch vụ trong “giỏ” CPI có thể thấy rõ điều này.

Mặc dù có tới 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá trong tháng, song mức tăng đều rất thấp. Tăng cao nhất là giao thông (tăng 0,33%) chủ yếu do tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 19/3.

 Kế đó là nhóm May mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,26%) do yếu tố mùa vụ; tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (tháng 4/2012 tăng 0,56%; tăng 4/2013 tăng 0,45%).

Trên thực tế thời gian gần đây, tồn kho lại có xu hướng tăng trở lại. Nếu như tại thời điểm 1/1/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2013; thì đến 1/3 đã tăng lên 13,4%

Vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, trong khi vốn giải ngân vẫn đang chuyển biến tích cực, thì vốn đăng ký mới và tăng thêm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đạt trên 4,8 tỷ USD, bằng 59,1% so với cùng kỳ 2013.

Trong số này, có 390 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,22 tỷ USD, bằng 65,4% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, còn có 140 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với 1,62 tỷ USD, bằng 49,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Việc vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng qua đầu năm giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước được cho là do không có những dự án quy mô lớn.

Quý I, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ đạt 4,5 tỷ USD

Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam Mỹ trong quí I/2014 đạt 7,76 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ trong quí I/2014 trị giá 6,15 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,61 tỷ USD, tăng 22,4%. Như vậy, trong quí I/2014 Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ khoảng 4,5 tỷ USD.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Mỹ luôn duy trì mức thặng dư lớn trong những năm gần đây. Đến năm 2013, xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này đạt con số kỷ lục 18,6 tỷ USD.

Xuất siêu gần 700 triệu USD trong 4 tháng đầu năm

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 4 và ước tính 4 tháng đầu năm 2014.

Theo đó, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 12,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch của khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 8,02 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,6 tỷ USD. Trong đó,kim ngạch nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 45,74 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 45,05 tỷ USD, tăng lần lượt 16,9% và 13,7% so cùng kỳ 2013.

Như vậy, cả nước đã nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 4 và xuất siêu gần 700 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2014.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2014 tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,0% của cùng kỳ năm 2013, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,4%.

Xét trong 4 tháng đầu năm 2014, một số sản phẩm có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ là tivi tăng 32,9%, giày, dép da (31,1%), thép cán (22,4%), ôtô (16,7%); thủy sản chế biến (13,7%);…

Trong khi đó, sản xuất sắt, thép thô giảm 11,0%, xe máy (-7,4%); than đá (-5,8%), vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo (-3,1%),…

HSBC kỳ vọng giá cả tại Việt Nam tăng nhẹ trong 2 tháng tới

Theo báo cáo, mặc dù lạm phát trong tháng 4 đã tăng nhẹ so với tháng 3 nhưng vẫn giảm so với mức lịch sử. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam trong cả năm 2014 vẫn sẽ khá thấp.

“Trong năm 2014, Việt Nam sẽ có mức tăng lạm phát theo tháng thấp nhất trong hơn thập niên qua”, báo cáo dẫn chứng “nếu 13 năm trước đây, mức tăng giá cả trung bình theo tháng trong bốn tháng đầu năm là 1% thì sang năm 2014, lạm phát chỉ tăng trung bình 0,2%”.

Tuy nhiên, HSBC vẫn kỳ vọng giá cả sẽ tăng nhẹ trong hai tháng tới khi các điều kiện nội địa đã dần hồi phục. Mặc dù áp lực giá cả trong năm nay sẽ giảm thêm ở mức trung bình khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn chưa cao và giá cả hàng hoá toàn cầu vẫn không mấy sáng sủa.

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, theo HSBC, áp lực giá cả đang giảm đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước giảm thêm một số mức lãi suất cơ bản xuống mức 5% vào ngày 17/3/2014 vừa qua. Kết quả là tăng trưởng tín dụng đã tăng 1,35% vào cuối tháng 3 so với mức -0,65% trong tháng 2.

Hồng Vân

Theo Trí Thức Trẻ