Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 9 thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

9 thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 5,9% và IIP cả mười tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ
.

9 thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Từ 1/11 giá gas bán lẻ tăng 18.000 đồng/bình 12 kg

Các công ty kinh doanh gas tại TP.HCM vừa cho biết, kể từ ngày 1/11, giá gas bán lẻ sẽ được điều chỉnh tăng thêm 1.500 đồng/kg, tương đương 18.000 đồng/bình 12 kg so với hồi tháng 10. Như vậy giá gas đến tay người tiêu dùng sẽ khoảng 408.000 đồng/bình 12 kg.

Giải thích nguyên nhân tăng giá, các công ty này cho biết, do giá gas thế giới tăng thêm 60 USD/tấn so với tháng 10, bình quân ở mức 895 USD/tấn, bên cạnh đó chi phí vận chuyển cũng tăng cao vì vậy các công ty phải điều chỉnh mức tăng tương ứng.

Kể từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ đã tăng 5 lần và đây là lần tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn 24.000 đồng/bình 12 kg so với hồi cuối năm 2012.

Dự báo CPI tháng 11 chỉ tăng 0,5 – 0,6%

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo CPI tháng 11 chỉ tăng nhẹ do sức mua còn thấp, tỷ giá và giá một số hàng hóa thiết yếu ổn định.

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, theo quy luật hàng năm, trong các tháng cuối năm thường có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia thống kê, từ nay đến cuối năm, CPI chịu tác động của các yếu tố: Tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và nguồn đầu tư tăng từ việc nới bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, lượng kiều hối năm 2013 sẽ tăng mạnh (ước khoảng 11 tỷ USD) và đặc biệt nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi các DN cũng đẩy mạnh sản xuất kéo theo nhu cầu nguyên nhiên vật liệu tăng.

Vì vậy, các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, CPI tháng 11 sẽ không biến động mạnh với mức tăng nhẹ 0,5- 0,6% so với tháng 10.

Vietcombank kỳ vọng lạm phát 2013 từ 7% trở xuống

Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2013 của Vietcombank (VCBS)

CPI các tháng trong quý IV sẽ tiếp tục tăng qua từng tháng nhưng nhiều khả năng không có đột biến như giai đoạn nửa cuối quý III và đều dưới 1% là nhận định được CTCK Vietcombank (VCBS) đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2013.

Trong quý III, CPI đã có mức tăng khá đột biến so với các tháng trong quý II, đặc biệt là trong tháng 8 (tăng 0,83% so với tháng trước) và tháng 9 (tăng 1,09%). Điều này chủ yếu là do việc tăng giá mạnh của một số nhóm hàng như dịch vụ y tế, giáo dục vào mùa tựu trường và giao thông sau ảnh hưởng cửa những đợt điều chỉnh giá xăng dầu.

FDI, ODA, kiều hối năm nay dự báo lên tới 25 tỷ USD

Thị trường ngoại hối tỷ giá từ đầu năm đến nay khá ổn định, chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý. Theo nhận định của UBGSTCQG, thị trường ngoại và tỷ giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm do nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục dồi dào.

UBGSTCQG cũng cho biết năm nay FDI, ODA, kiều hối khả quan dự báo lên tới 25 tỷ USD (dự báo của Bộ KHĐT) trong khi cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm có thể chưa thực sự khởi sắc. Tính đến 20/9, cầu tín dụng ngoại tệ giảm mạnh 13,65% so với năm 2012.

Ủy ban giám sát tài chính: Lạm phát bình quân tháng sẽ dao động khoảng 0,6%-0,8%

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) vừa có báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2013.

Theo đó, NFSC đánh giá quý IV-2013 là quý có mức tăng giá cả cao nhất trong năm. Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas.

Cũng theo NFSC, dự báo lạm phát bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng 0,6%-0,8% nếu không có điều chỉnh đột biến về giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Lạm phát cả năm 2013 dự báo vẫn được kiểm soát xung quanh mức 7% nếu như có sự quản lý và điều tiết tốt việc điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ. Tính đến tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,14% so với đầu năm.

Tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp: Quanh mức 14 – 15%

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ đã nhận được đề xuất tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2014 từ 14 đến 17% của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ vẫn tiếp tục bàn bạc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nhiều khả năng sẽ chốt lại ở phương án tăng 14-15% so với mức lương hiện tại.

Trong bối cảnh đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, thì việc tăng lương sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của họ.

Tháng 10: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 5,9% và IIP cả mười tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 9%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, song ngành khai khoáng lại giảm 2,8%.

Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, đáng chú ý trong mười tháng qua một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao là ngành dệt tăng 19,9%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,3%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 13,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,9%… so với cùng kỳ năm trước.

10 tháng thu ngân sách ước đạt 70,1% dự toán năm

Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng ước tính đạt 572,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,1% dự toán năm.

Trong đó thu nội địa 373,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5%; thu từ dầu thô 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 108,5 nghìn tỷ đồng, bằng 65,2%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 111,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 82,6 nghìn tỷ đồng, bằng 76,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 80,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,6%; thuế thu nhập cá nhân 37,9 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; thuế bảo vệ môi trường 9,1 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7%; thu phí, lệ phí 7,7 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5%.

Doanh nghiệp FDI xuất siêu trên 10 tỷ USD

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô, dự kiến đạt trên 72 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm khoàng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 66,141 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài 10 tháng đạt gần 62 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 57,31% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy 10 tháng đầu năm, khu vực FDI dự kiến xuất siêu trên 10 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 187 triệu USD.

Công Vân

Theo Trí Thức Trẻ