Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 95% cá tầm miền Bắc không rõ nguồn gốc

95% cá tầm miền Bắc không rõ nguồn gốc

Con số gây sốc về tình trạng cá tầm bán tại miền Bắc không rõ nguồn gốc, phần lớn là cá tầm nhập lậu được ông Lê Anh Đức – Chủ tịch tập đoàn cá tầm Việt Nam đưa ra trong buổi gặp mặt, trao đổi với báo chí về tình trạng cá tầm nhập lậu đội lốt cá tầm Việt Nam diễn ra ngày 7/7.
.

Theo đó, ông Đức bày tỏ: “Chúng tôi đã từng đưa mặt hàng cá Tầm của Công ty ra lưu thông trên thị trường phía Bắc nhưng không thể cạnh tranh với giá cá tầm nhập lậu bán trên thị trường nên quyết định rút lui và tập trung trước nhất vào thị trường miền Nam, hiện chúng tôi đang có dự án đầu tư khá lớn vào khai thác và nuôi cá tầm tại Sơn La”.

Để khẳng định rõ hơn việc cá tầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường miền Bắc, ông Đức cho biết: Theo nhận định, tổng sản lượng cá tầm toàn miền Bắc chỉ đạt khoảng 30 tấn/ năm, tuy nhiên mỗi ngày vẫn có từ 3 – 5 tấn cá tầm được bay ngược từ sân bay Nội Bài vào thị trường TP. HCM, chưa kể bán tại thị trường miền Bắc?

Trả lời thắc mắc làm sao để phân biệt được cá tầm nuôi tại Việt Nam và cá tầm nhập lậu Trung Quốc, ông Đức chia sẻ: “Nếu là cá tầm Lai bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt được về ngoại hình, tuy nhiên, tại miền Trung và Tây Nguyên nuôi phổ biến cá tầm Osetra (cá tầm Nga) trong khi đó Trung Quốc nuôi rất ít cá tầm Nga chủ yếu là cá tầm Lai vì giá thành thấp mà cá khỏe hơn”.

Từ đó, ông Đức chỉ ra cách phân biệt giữa cá tầm Nga và cá tầm Lai: Cá tầm Nga màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và 2 bên hông cá. Cá tầm Trung Quốc và cá tầm Lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga, mũi cá dài nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.



Hướng phát triển cá tầm Việt Nam sẽ tập trung vào trứng cá và xuất khẩu với những sản phẩm chất lượng.

Trước thực trạng thị trường miền Bắc phần lớn là cá không rõ nguồn gốc, ông Đức nói: “Trên 95% cá tầm tiêu thụ tại miền Bắc không rõ nguồn gốc, cá nhập lậu, người tiêu dùng đang bị lừa, phải bỏ một số tiền rất lớn vài trăm nghìn đến tiền triệu để ăn cá Tầm không rõ nguồn gốc, từ khía cạnh người trong nghề tôi kiến nghị với người tiêu dùng phía Bắc, tạm thời dừng ăn cá tầm một thời gian”.

Tại buổi gặp mặt, ông Trần Văn Hào – Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh cho biết: “Sau khi các cơ quan chức năng tham gia vào công cuộc chống cá tầm nhập lậu, mỗi ngày vẫn có từ 3 – 5 tấn cá tầm nhập lậu bay vào phân phối thị trường phía Nam chưa kể thị trường miền Bắc, theo con số chúng tôi biết và làm việc với một vài cơ sở nhập cá tầm Trung Quốc, một ngày Việt Nam tiêu thụ từ 10 – 15 tấn cá tầm Trung Quốc, tương đương ít nhất 4.000 – 5.000 tấn/năm cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào VN”.

Ông Lê Anh Đức cung cấp thêm thông tin: “Trong thị phần cá nhập lậu, tôi khẳng định phía Nam tiêu thụ 60 – 70% cá tầm nhập lậu, vì vậy cần đẩy mạnh áp dụng những biện pháp kiểm nghiệm thú y ở sân bay, làm tốt khâu đó cá tầm nhập lậu đã bị mất một thị phần rất lớn. Biện pháp hữu hiệu nhất bây giờ là kiểm soát ở sân bay”.

Một phát kiến mới, được Tập đoàn cá Tầm Việt Nam áp dụng để giúp người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mình tiêu thụ, ông Đức cho biết: “Hiện nay đối với tất cả các sản phẩm cá tầm cả cá tầm giống, cá tầm thương phẩm như hun khói trước khi đưa ra thị trường chúng tôi đã cho áp dụng hệ thống mã code truy xuất nguồn gốc truy cập qua Internet và qua tin nhắn. Mỗi sản phẩm đi kèm với một hệ thống tem, giống như một cái xổ số, mã độc nhất vô nhị, sau mỗi lần truy cập sẽ bị hủy”.

Ông Đức nói thêm: Hiện nay, trong TP. HCM đã áp dụng và nhận được gần 600 tin nhắn của khách hàng đến tổng đài. Mã code sau khi gửi đến tổng đài, khách hàng sẽ nhận được những thông tin, cá tầm nuôi ở hồ nào, xuất ra ngày bao nhiêu, giống cá gì, ăn thức ăn gì, trong quá trình nuôi có dùng kháng sinh không.

Phương án đẩy mạnh lập chốt kiểm dịch ở sân bay, gắn code nhận diện để truy xuất nguồn gốc cá tầm, yêu cầu đăng ký cơ sở nuôi được đưa ra để ngăn chặn và giảm bớt tình trạng nhập lậu cá tầm vào nước ta. Bên cạnh đó, các đại biểu trong buổi gặp mặt cũng chỉ ra hướng phát triển bền vững cho ngành nuôi cá tầm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Chúng ta sẽ không chỉ bán các sản phẩm thịt cá tầm như hiện nay, hướng vào nuôi cá tầm lấy trứng và sản phẩm này xuất khẩu là chính, mục tiêu của chúng ta là nuôi những loài có chất lượng cao với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo, hội nhập với thế giới.

Còn ông Đức chia sẻ: Nhu cầu trứng cá tầm rất lớn, hiện trên thị trường Thế giới mới có khoảng 80 tấn/ năm trên tổng số 3000 tấn nghĩa là chưa được 3%. Trong năm 2013 chúng tôi sẽ xuất lô trứng cá đen đầu tiên sang Nga, mục tiêu duy trì và phát triển ngành nuôi cá tầm là làm ra sản phẩm chất lượng để người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Nguồn Infonet.vn