Go to Top
Trang chủ > Tin tức > USD tăng giá, vốn vào chứng khoán có giảm?

USD tăng giá, vốn vào chứng khoán có giảm?

Động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK khi USD tăng giá mạnh so với tiền đồng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

 Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2013-2014

Trong năm 2014, việc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thường xảy ra vào những lúc đồng USD tăng giá mạnh so với tiền đồng. Mặc dù giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm tỉ trọng thấp trên thị trường, nhưng động thái mua bán của họ lại có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong nước đang lo lắng về khả năng khối ngoại rút vốn để về trú ẩn và kiếm lời từ “đồng bạc xanh”, làm giảm dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Lo ngại trên xuất phát từ việc USD tăng giá quá nhanh trong thời gian ngắn. Chỉ số US Dollar Index (dùng để đo giá trị đồng USD với rổ 6 đồng ngoại tệ mạnh khác) đã tăng gần 13% kể từ tháng 7 đến tháng 12.2014. Mức tăng này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của đồng USD trong năm 2014 sau nhiều năm trầm lắng do nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng.

Sở dĩ đồng bạc xanh có thể trở lại ấn tượng như vậy là nhờ vào nền kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng kể. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ quý III/2014 đã tăng trưởng 5%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Thị trường lao động được cải thiện với hơn 400.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 10 và 11, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu ADP.

Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu vẫn chìm trong khó khăn và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật lại đưa ra quyết sách nới lỏng tiền tệ. Điều này càng khiến cho USD có thêm cơ hội trỗi dậy mạnh hơn so với các đồng tiền khác như euro, yen Nhật.

Có lẽ không phải là sự trùng hợp khi thời điểm USD lên giá mạnh cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lên đến gần 3.600 tỉ đồng (từ tháng 8-11) trong khi 7 tháng đầu năm đều mua ròng với giá trị hơn gấp đôi. Dòng vốn vào Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M) cũng giảm mạnh trong quý III và thậm chí bị rút ra đến hơn 52 triệu USD vào quý IV năm này, theo IndexUniverse.

Tất nhiên, việc bán ròng này còn chịu sự tác động của những yếu tố khác như thị trường chứng khoán điều chỉnh sau làn sóng tăng mạnh mẽ trước đó, giá dầu giảm tạo áp lực bán mạnh lên nhóm cổ phiếu dầu khí, việc tái cơ cấu danh mục vào thời điểm cuối năm… Thế nhưng, dường như sự lên giá của USD cũng có tác động nhất định đến dòng vốn nước ngoài.

Nhận định này không phải không có cơ sở. Trong năm 2013, khi USD dao động, không có xu hướng rõ ràng thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng hơn 6.800 tỉ đồng. Mức mua ròng này cao gần gấp đôi so với giá trị mua ròng của năm 2014 dù trong năm 2013, nền kinh tế vĩ mô và nhiều doanh nghiệp còn khó khăn hơn.

Tín hiệu trên cho thấy, khi nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi và USD vẫn trong giai đoạn “lình xình“ thì nhà đầu tư vẫn đánh giá cao các thị trường chứng khoán có suất sinh lợi cao như Việt Nam. Tuy nhiên, đồng bạc xanh tăng giá trở lại đã tạo nên sức hút mãnh liệt đối với nhiều nhà đầu tư. Do đó, sẽ không tránh khỏi việc bán bớt tài sản không được định giá bằng USD để đầu tư vào đồng tiền này.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang có những khoản nợ lớn tính bằng USD. Do đó, việc USD còn có thể tiếp tục lên giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để mở khả năng tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong thời gian tới, khiến cho gánh nặng nợ của các nước càng thêm lớn.

Trong quá khứ, nhiều nền kinh tế mới nổi từng lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi USD tăng giá do các nước này vay nợ USD lớn. Sự đổ vỡ của các “con hổ châu Á” vào thập niên 1990 hay các quốc gia Nam Mỹ vào thập niên 1980 là ví dụ rõ nhất.

Hiện tại, đồng ruble của Nga, đồng hryvnia của Ukraine đã mất giá khoảng 50% so với USD. Nếu USD tiếp tục tăng giá, không loại trừ một làn sóng rút vốn sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các thị trường chứng khoán mới nổi.

Hãy quay trở lại với Việt Nam. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tăng tỉ giá VND/USD thêm 1%, lên mức 21.458 VND/USD (áp dụng từ ngày 7.1.2015). Nếu so sánh mức giảm giá tiền đồng này với sự mất giá của các đồng tiền khác thì việc điều chỉnh tỉ giá 1% là không đáng kể.

Do vậy, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn khi tiền đồng đang được cho là định giá cao so với các đồng tiền khác. Những điều này có thể làm giảm triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam cũng như các công ty trên thị trường chứng khoán trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài. 

Báo nhipcaudautu.vn