Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Bất động sản: Sự phi lý giữa những con số

Bất động sản: Sự phi lý giữa những con số

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, hiện nay số lượng dự án nhà ở thương mại đang gấp 27 lần dự án nhà ở xã hội.

.

Sự phi lý của thị trường

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tại Hà Nội nhà ở thương mại đã và đang triển khai là 370 dự án, bao gồm các dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở, với tổng diện tích đất 17.765 ha. Số căn hộ trong các dự án khoảng 520.700 căn hộ với khoảng 82,45 triệu m2 (trong đó có 346.000 căn hộ chung cư với khoảng 35 triệu m2 và 174.000 căn hộ thấp tầng với khoảng 47,45 triệu m2).

Với nguồn cung khổng lồ đã khiến lượng hàng tồn kho của BĐS tăng cao. Theo Bộ Xây dựng, đến hết năm 2012, Hà Nội đã tồn kho hơn 5.800 căn nhà, 5.400m2 mặt bằng thương mại… tương đương khoảng 14.070 tỷ đồng. Theo dự báo của các chuyên gia, phải mất 5 năm nữa thị trường mới có thể hấp thụ được lượng hàng tồn kho này. Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng trăm nghìn căn từ trên 100 dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2013-2016, có lẽ phải mất cả chục năm nữa thị trường mới tiêu thụ hết.

Giải thích nguyên nhân khiến thị trường BĐS tồn kho cao, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Nguyên nhân chính là thị trường bất động sản thiếu quy hoạch đặc biệt là kế hoạch. Đơn cử, có bao nhiêu đất để làm nhà theo quy hoạch đến năm 2050 thì nay đã cấp hết thay vì từng giai đoạn để tương ứng với cầu. Cấp nhiều nhưng doanh nghiệp lại không có tiền làm dẫn đến thực tế các dự án chỉ là đồng ruộng, bãi cỏ. Cơ cấu hàng hóa không chuẩn, nhà quy mô lớn sang trọng nhiều trong khi nhà đáp ứng đại bộ phận người dân lại ít.”

Trong khi phân khúc nhà ở thương mại, lượng hàng tồn kho chất cao “như núi” thì hiện nay, toàn Hà Nội chỉ có 14 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đang triển khai với tổng diện tích đất ở là 12,9 ha; tổng diện tích sàn xây dựng là 1,24 triệu m2 với 15.412 căn hộ.

Con số nhà ở thương mại chẳng khác nào “muối bỏ bể” khi so với hàng nghìn người đang có nhu cầu mua. Theo kết quả khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, tại 118 đơn vị, có đến 193.261 người đăng ký có nhu cầu mua nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, các cơ quan Trung ương có 157.153 người đăng ký; các đơn vị của Hà Nội có 36.108 người đăng ký.

Doanh nghiệp “hiến kế”

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng như giải quyết những bất cập đang tồn tại trên thị trường BĐS Hà Nội, một số doanh nghiệp BĐS như HUD, Vinaconex, Viglacera đã có những đề xuất cụ thể.

Theo lãnh đạo của Viglacera, trong mỗi dự án khu đô thị, dự án khu nhà ở, tòa nhà chung cư…cần dành ra một phần diện tích để xây dựng căn hộ chung cư có diện tích từ 25-45m2. Điều này nhằm mục đích để giải quyết cho người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng khả năng kinh tế tài chính còn hạn chế. Về lâu dài, lãnh đạo của Viglacera cũng đề nghị cần cho phép xây dựng căn hộ chung cư thương mại, căn hộ chung cư xã hội có diện tích tối thiểu là 25m2.

Lãnh đạo HUD cũng phản ánh, trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp BĐS còn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, quy định về tài sản thế chấp, quy định về tính tiền sử dụng đất….

HUD kiến nghị, Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như: cho thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai để có cơ sở vay vốn, quy định về cam kết tỷ lệ cho vay của ngân hàng, quy định về tiền sử dụng đất đối với diện tích công cộng, kinh doanh mang tính phục vụ trong nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, HUD cũng đề nghị cần bổ sung quy định chi tiết về hỗ trợ đầu tư trong linh vực BĐS, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư hạ tầng…

Còn theo lãnh đạo của Vinaconex, quy định hiện nay yêu cầu trích 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội là không khả thi. Trong quá trình triển khai dự án sẽ xảy ra tình trạng các dự án cao cấp phải dành 20% diện tích đất để xây dựng chung cư làm nhà ở xã hội không thực hiện được. Mặc khác, đối với các dự án quy mô nhỏ, việc dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội sẽ dẫn đến tình trạng nhà xây không đồng bộ, manh mún, làm ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể của dự án.

Theo đó, Vinaconex đề xuất cần bãi bỏ quy định việc dự án nhà ở thương mại giành 20% diện tích quỹ đất làm nhà ở xã hội mà quy định phát triển các đô thị nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ trong đó dành 20% quỹ đất xây dựng nhà thương mại. Nếu là đô thị nhà ở thương mại thì không cần dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Nguồn : Kinhte24h