Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Bức tranh kinh tế vĩ mô: Vẫn còn mảng sáng

Bức tranh kinh tế vĩ mô: Vẫn còn mảng sáng

Trong tháng 5, chỉ số lạm phát, thương mại, bán lẻ và chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam- PMI (do Ngân hàng HSBC thực hiện) cho thấy, nhu cầu nội địa thấp đang đè nặng áp lực lên nền kinh tế.

.

Yếu kém trong ngắn hạn vẫn tồn tại

Hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu nội địa. Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 5 giảm sút do hoạt động đình trệ của các doanh nghiệp trong nước. Những số liệu về bán lẻ, lạm phát và thương mại cùng đồng hành đi xuống.

Điều đáng lưu ý, sản lượng sản xuất sụt giảm ngay cả khi nhu cầu bên ngoài gia tăng mạnh. Lưu ý rằng, chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng cao từ mức 50,1 điểm của tháng 4 lên mức 51,3 điểm trong tháng 5. Lòng tin của người tiêu dùng ở thị trường Mỹ bắt đầu tăng trở lại và kinh tế Nhật Bản dần phục hồi đã hỗ trợ cho nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, lực đẩy này dường như không thể bù đắp cho sự yếu kém của nhu cầu nội địa. Xuất khẩu tiếp tục tăng nhẹ đạt mức tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tăng trưởng từ đầu năm đến nay vẫn duy trì ở mức hai con số nhưng những chuyến hàng của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hóa toàn cầu yếu, xuất khẩu gạo, cà phê, than, cao su, dầu thô đều giảm. Trong khi tình hình nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn tốt thì nhập khẩu hàng hóa thành phẩm tiếp tục giảm, phản ánh sức tiêu dùng kém. Mặt hàng sữa, xe hơi, xe máy và sản phẩm xăng dầu biểu thị tăng trưởng âm.

Áp lực lạm phát giảm

Lạm phát toàn phần tiếp tục giảm nhờ vào giá thực phẩm yếu hơn và giá cả một số mặt hàng cơ bản cũng giảm từ mức 6,6% trong tháng 4 xuống còn 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Xét về tính liên tục, giá cả toàn phần đã giảm từ mức 0% trong tháng 4 xuống còn – 0,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ tháng trước. Lạm phát thực phẩm đã giảm từ mức 1,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,5% trong tháng 5. Giá thực phẩm đã giảm liên tục trong 3 tháng qua phản ánh nguồn cung thừa trong khi nhu cầu rất kém.

Lạm phát cơ bản đã chậm lại, còn 11% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. So sánh theo tháng, lạm phát cơ bản có yếu tố điều chỉnh mùa vụ vẫn giữ nguyên trong tháng 5 ở mức 0% so với mức 0,6% trong tháng 4. Dự đoán, lạm phát cơ bản sẽ giảm đáng kể trong những tháng tới nhờ vào các mức lãi suất thuận lợi và nhu cầu kém. Khả năng sản xuất năng lượng trong nước tăng cũng sẽ giúp ổn định mức cung năng lượng trong tương lai của Việt Nam.

Báo cáo về Kinh tế Vĩ mô – Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 6/2013 với tiêu đề “Tái lập trật tự nền kinh tế” của Khối Nghiên cứu kinh tế – Ngân hàng HSBC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2013 từ mức 5,5% trước đây xuống còn 5,1%. Điều này một phần phản ánh sự giảm sút không mong muốn của giá cả hàng hóa dẫn đến ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu nông nghiệp và năng lượng cũng như làm cho tăng trưởng tín dụng yếu. Việc thắt chặt tiêu dùng cộng với tăng trưởng tín dụng thấp đã làm ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động trong nước. Trong khi đầu tư nước ngoài sẽ bù đắp phần nào cho hoạt động đầu tư trong nước yếu hơn, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để hỗ trợ nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng 7% trước đây.

Vẫn có những lạc quan…

Có thể nói, việc phê chuẩn thành lập Công ty Quản lý tài sản (AMC) vào ngày 22/5/2013 là một trong những sáng kiến quan trọng cải thiện hiệu quả của hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết 254 – nỗ lực để tái cơ cấu ngành ngân hàng. Chính phủ hy vọng Công ty Quản lý tài sản sẽ giúp giải quyết một nửa số nợ xấu trong toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng. Mặc dù nguồn vốn của Công ty Quản lý tài sản còn rất hạn chế làm tăng nghi ngại về tính hiệu quả của công ty, nhưng nếu quá trình hoạt động có giám sát chặt chẽ thì hoạt động của công ty này sẽ đi vào quỹ đạo tích cực.

Trong khi thương mại, bán lẻ, chỉ số PMI và chỉ số lạm phát đều hướng đến một nền kinh tế vẫn khó khăn trong năm 2013 với tăng trưởng chỉ khoảng 5% (so với mức trung bình của những năm trước là 7%) thì dòng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lại cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh và vẫn còn thu hút những dòng vốn lành mạnh. Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn đăng ký FDI đã đạt con số 5,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa phần nguồn vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất, cung cấp nhiều nguồn lao động và đầu tư trong thời điểm tình hình tài chính – tiền tệ và nhu cầu nội địa vẫn chưa có dấu hiệu “sáng” hơn.

Với khả năng tiêu thụ và mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu nước ngoài giảm thì thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay của Việt Nam đã cải thiện nhẹ, chỉ còn 1,9 tỷ USD. Dòng tiền chuyển vào mạnh và chi phí nhập khẩu giảm đã thúc đẩy tài khoản vãng lai của Việt Nam trong năm 2013 đem tới môi trường kinh tế vĩ mô khỏe hơn.

Nguồn : Baocongthuong.com.vn