Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Các doanh nghiệp cam kết đầu tư hơn 21 nghìn tỷ vào khu vực Tây Bắc

Các doanh nghiệp cam kết đầu tư hơn 21 nghìn tỷ vào khu vực Tây Bắc

Đây là số tiền mà các doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Tây Bắc tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, VCCI, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức ngày 4/4 tại Mộc Châu.

Bàn chủ tọa điều hành Hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; bà Tòng Thị Phóng – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc ngân hàng nhà nước; ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 12 tỉnh vùng Tây Bắc, đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cùng 500 đại biểu là các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại trên khắp cả nước.

Đông đảo các đại biểu các Bộ, ngành, trung ương và địa phương tới tham dự Hội nghị  

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn, bất lợi về điều kiện phát triển kinh tế của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang các tỉnh Tây Bắc để đạt được những kết quả trong thời gian vừa qua với những con số ấn tượng. Tăng trưởng GDP toàn vùng năm 2014 đạt 8,79%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 25.977 tỷ đồng, vượt 12% so với T.Ư giao. Năm 2014, toàn vùng đã thành lập mới 1.963 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký lên tới 21.537 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển huy động trên địa bàn ước đạt 168,464 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vốn huy động khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác đạt 133 tỷ đồng, chiếm 86,2%. Lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào vùng Tây Bắc có dấu hiệu đáng mừng, với số vốn đầu tư đã cấp phép đạt 14,35 tỷ USD…

Ông Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng so với mặt bằng chung các khu vực khác trong cả nước, các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn gặp phải những hạn chế nhất định trong phát triển kinh tế, xã hội. Khu vực Tây Bắc cần phải có cơ chế phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, kinh nghiệm đến với Tây Bắc.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, sự phát triển của doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng Tây Bắc hiện còn khá thấp. Tổng số vốn đầu tư trong nước vào vùng chỉ đạt 320 nghìn tỷ. Dù tăng hơn 58 nghìn tỷ so với năm trước nhưng con số này mới chủ chiến vỏn vẹn 2% tổng vốn đăng ký đầu tư trên toàn quốc. Trong vùng chỉ có 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động, Tỷ lệ doanh nghiệp bình quân chung đầu người của vùng chỉ đạt 13doanh nghiệp/10.000 dân. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tính tới hết năm 2013, toàn vùng đã thu hút được 442 dự án với tổng số vốn đăng ký là7,8 tỷ USD, một con số rất nhỏ so với gần 16.000 dự án của cả nước.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Tuy nhiên, theo ông Lộc, bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vị trí địa lý thì khu vực Tây Bắc có những lợi thế tiềm năng cực lớn so với những vùng khác. Tiến sĩ Lộc cũng chỉ ra ba lợi thế tiềm năng mà các tỉnh Tây Bắc hoàn toàn có thể tập trung để đưa vùng bứt phá, vươn lên.

Thứ nhất là lợi thế của xu hướng di các nhà máy từ vùng đồng bằng lên vùng núi nhằm mở không gian phát triển, giảm chi phí nhân lực, cũng như bảo vệ môi trường… của các tập đoàn nước ngoài cũng như trong nước lên đây. Thứ hai là việc phát triển xây dựng, phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở tài nguyên khí hậu, thổ nhưỡng. Tiến sĩ Lộc chia sẻ“Hiện nay, rất nhiều người dân ở Thủ đô và một vài tỉnh lân cận có xu hướng chọn lựa Hoà Bình và các tỉnh Tây Bắc làm nơi nghỉ cuối tuần. Chính vì vậy, một số tỉnh vùng núi phía bắc hoàn toàn có thể xây dựng để trở thành “bếp ăn” cung cấp cho Hà Nội và khu vực đồng bằng”. Chủ tịch VCCI cho biết thêm, theo nhiều nhà khoa học quốc tế, khí hâu, thổ nhưỡng  đặc trưng ở khu vực miền núi phía Bắc phù hợp với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng mà không thể tìm thấy được ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Các tỉnh tây Bắc nên tập trung nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm này thì sẽ tạo ra được những giá trị gia tăng rất lớn cho vùng.

Cuối cùng, những giá trị thiên nhiên hoang dã, các cao nguyên cỏ, các cao nguyên đá, những khu di tích lịch sử cũng sẽ là những lợi thế của vùng để phát triển du lịch. Ngoài ra, tuy vị trí địa lý xa thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng nhưng vùng lại nằm giáp phía Nam Trung Quốc với thị trường rộng lớn 600 triệu dân.

Để có thể phát huy hết những lợi thế trên, theo Chủ tịch VCCI, các tỉnh Tây Bắc cần phải cải thiện năng lực điều hành kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các tỉnh và toàn vùng. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực chắc chắn sẽ được khắc phục một phần nếu địa phương có công tác điều hành kinh tế tốt, có chiến lược phát triển tốt. Theo báo cáo PCI những năm gần đây, ngoại trừ một số tỉnh như Thái Nguyên, Lào Cai, các tỉnh còn lại của Tây Bắc đều rơi vào nửa cuối bảng xếp hạng. Kết quả chung này cho thấy một cảm nhận chưa thực sự tích cực và nhiều kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế và cảnh cách thủ tục hành chính của nhiều tỉnh trong vùng.

Ông Lộc cũng nêu ra kinh nghiệm của các tỉnh đi đầu trong cải cách chỉ số PCI là những địa phương tạo ra những thay đổi từ nhận thức tới tới hành động. Nhiều địa phương đưa ra khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển”, “Thành công của doanh nghiệp là nghĩa vụ của chính quyền”, “Thất bại của doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền”…. nhằm khẳng định vai trò của doanh nghiệp. Tại nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp không chỉ là đơn vị thực thi mà còn là người tham mưu tốt cho chính quyền. Trên cơ sở thay đổi nhận thức như vậy, các tỉnh thành phố thành công đã xây dựng được nghị quyết, chương trình hành động, các đề án, ban chỉ đạo… để nâng cao chỉ số PCI. Nhiều tỉnh còn triển khai xây dựng chỉ số này ở cả cấp huyện với những mục tiêu và giải pháp rõ ràng, có một sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong triển khai.

Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho cho đại diện 15 dự án, tổng số vốn 8.598 tỷ đồng

Tại Hội nghị, các ngân hàng đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn tín dụng cho 12 dự án đầu tư, tổng số vốn 3.536 tỷ đồng. Ban Tổ chức cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án, tổng số vốn 8.598 tỷ đồng và ký cam kết hợp tác đầu tư với 18 dự án với tổng số vốn 12.561 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký cam kết hợp tác đầu tư và ca kết tài trợ tín dụng giữa các tỉnh Tây Bắc, ngân hàng và doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị, VCCI đã chính thức ra mắt Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc với 9 thành viên do ông Lê Quang Thái – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sơn La làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội.

Ban tổ chức cũng đã lựa chọn và biểu dương 59 doanh nghiệp tiêu biểu đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển chung của vùng, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào nghèo vùng Tây Bắc.

Hoàng Sang