Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cân nhắc được và mất

Cân nhắc được và mất

Cân nhắc được và mất

(HQ Online)- Từ khi Luật DN 2005 được ban hành cho đến nay, việc cấp phép đăng ký kinh doanh thành lập DN thật sự là một đột phá về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đã đơn giản hóa rất nhiều. Doanh nhân không phải mất nhiều thời gian cho việc đăng ký kinh doanh, quy trình một cửa liên thông đã thật sự phát huy hiệu quả trong hoạt động đăng ký kinh doanh.

 Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê và Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN thành lập mới tăng từ 47.000 năm 2006 lên 77.000 năm 2013; Quy mô vốn tăng tương ứng từ 3,13 tỷ đồng lên 5,07 tỷ đồng. Tuy nhiên, với các số liệu trên, không biết nên “mừng” hay “lo”.

Theo số liệu thống kê đến ngày 1-1-2013 có khoảng 30% số DN đã đăng ký kinh doanh rơi vào các diện chưa hoạt động, ngừng hoạt động và không biết có tồn tại hay không. Điều này có nghĩa là số DN tuy có phát triển nhưng không được hoạt động một cách lành mạnh, bình thường. Ngoài ra, theo các chuyên gia, số vốn đăng ký trong hệ thống đăng ký kinh doanh rất lớn nhưng trên thực tế số vốn này là số vốn ảo, cơ quan quản lý việc đăng ký kinh doanh không thể xác định nguồn vốn thật đưa vào hoạt động trong nền kinh tế quốc dân là bao nhiêu.

Với cơ chế thông thoáng, dễ dàng và thuận lợi, cơ chế chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đã khiến số lượng DN tăng nhanh, nhưng cũng dẫn đến hiện trạng hết sức nguy hiểm là có DN không có đồng vốn nào mà vẫn đăng ký và tự chịu trách nhiệm lên đến hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ thậm chí đến hàng chục ngàn tỷ như trường hợp của Tập đoàn Rừng Toàn Cầu (tự đăng ký vốn khoảng 80.000 tỷ ở Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, KonTum) mà báo chí đã đưa tin.

Ngoài ra, số liệu nguồn lực tài chính nội lực của các DN Việt Nam còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tài chính của Nhà nước. Hiện một câu hỏi mà nhiều quốc gia muốn rót vốn ODA vào cho Việt Nam đang phân vân là tại sao nội lực của DN Việt Nam mạnh đến thế (theo số vốn đăng ký trên mạng đăng ký DN) mà Việt Nam không huy động nguồn vốn nội lực đầu tư cho các công trình, thay vào đó là huy động từ ngoại lực (ODA).

Cơ chế tạo thông thoáng cho DN với việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được bắt đầu từ Luật DN 2005, dự thảo Luật DN (sửa đổi) cũng đang đi theo hướng này. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là cần xem xét, cân nhắc lại tính hiệu quả, cái được và mất của cơ chế này sau thời gian thực hiện Luật DN để có sự thực hiện cuối cùng phù hợp với thực tiễn.

Nguồn : Báo hải quan