Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Chẳng nên “giơ cao đánh khẽ” nữa!

Chẳng nên “giơ cao đánh khẽ” nữa!

 

 

Chuyện thực thi pháp luật của ta nhiều khi ở trong tình trạng “mua dây buộc mình”, luật không ra luật, lệ không ra lệ, đến khi bung bét ra thì đã thành nan giải.
Ảnh minh họa

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư đối với các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh cố tình chậm nộp hoặc không nộp tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong danh sách ấy có các nhà máy thủy điện khá nổi tiếng như Sông Côn 2, A Vương, Trà Linh 3, Sông Bung 5, An Điềm 2, Tà Vi…

Chuyện “lình xình” giữa thủy điện và môi trường rừng không chỉ xảy ra ở Quảng Nam. Bộ NN&PTNT cho hay, từ năm 2006 đến 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh thành thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích rừng bị phá là 19.792ha.

Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế mới chỉ được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Ví dụ, như dự án thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) phá 700ha rừng nhưng mới chỉ trồng được 15ha rừng thay thế. Dự án thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) phá hơn 2.500ha rừng nhưng chưa trồng lại được cây nào, chủ đầu tư chỉ báo cáo ngắn gọn là “đã có kế hoạch”… Việc trồng rừng ở những nơi đã được trồng thay thế cũng có “vấn đề”, như có nhà máy thủy điện xây ở Hòa Bình, Sơn La nhưng rừng trồng thay thế lại ở… Thái Bình.

Mà đâu chỉ có chuyện trồng rừng. Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho biết, tại các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Bên cạnh đó, khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập… gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.

Nay Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư đối với các nhà máy thủy điện chắc là cũng lâm vào tình thế cực chẳng đã, bởi mỗi dự án đầu tư là cả trăm, cả ngàn tỷ đồng. Nếu dừng hoạt động thì thiệt hại không nhỏ.

Thế nhưng cứ để tình trạng coi thường luật pháp như chuyện nêu ở trên thì thiết nghĩ cũng chẳng nên “giơ cao đánh khẽ” nữa!