Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Chao đảo cùng giá dầu

Chao đảo cùng giá dầu

Chỉ trong vòng sáu tháng, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm hơn một nửa, xuống mức thấp kỷ lục trong gần sáu năm qua. Sự rớt giá sâu của “vàng đen” đã tác động mạnh nhiều nền kinh tế. Các nước nhập khẩu “mở cờ trong bụng”, nhiều nước phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ lại “méo mặt” khi trong phút chốc nhiều tỷ USD “bốc hơi”.

Một cơ sở khai thác dầu ở A-rập Xê-út.                         Ảnh AP

Giá dầu hiện nay được quyết định phần nhiều do tình hình tài chính, nhu cầu, nguồn cung và tình hình an ninh thế giới. Một trong những nguyên nhân tác động giá dầu thời gian qua là mất cân bằng cán cân cung-cầu. Nhu cầu dầu hiện ở mức thấp, do các hoạt động kinh tế yếu kém, cùng với việc gia tăng hiệu suất và xu hướng chuyển dịch từ dầu mỏ sang các nhiên liệu khác. Nhu cầu dầu mỏ tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đang suy giảm do tăng trưởng chậm, trong khi các loại nhiên liệu sinh học thay thế dầu được tiêu thụ mạnh. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Từ năm 2008, các doanh nghiệp dầu mỏ tại Mỹ đã tăng sản lượng thêm 70%, tương đương 3,5 triệu thùng/ngày. Chỉ riêng mức tăng này cũng đã cao hơn sản lượng của bất kỳ nước thành viên nào của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Sự phát triển của ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ đã tác động khá nhiều tới thị trường dầu mỏ. Mặc dù quốc gia này không xuất khẩu dầu thô, nhưng hiện tại Mỹ nhập khẩu ít hơn nhiều, dẫn tới dư thừa đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, dù giá dầu giảm ảnh hưởng thu nhập các nước OPEC, nhưng tổ chức hiện kiểm soát gần 40% thị trường dầu mỏ thế giới này đã không đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng. A-rập Xê-út và Cô-oét, hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hầu như không cắt giảm sản lượng vì không muốn “hy sinh” thị phần của mình vào tay các nhà xuất khẩu dầu mỏ khác như I-ran, Nga. A-rập Xê-út có lượng dự trữ ngoại hối lên tới 900 tỷ USD, cho nên giá dầu giảm không phải mối bận tâm lớn. Hơn nữa, chi phí khai thác dầu của nước này thấp cho nên họ có thể tiếp tục sản xuất và vượt qua tình cảnh hiện nay. Các nước vùng Vịnh thậm chí còn giảm giá cho các nhà tiêu thụ châu Á lớn nhằm giành thêm thị phần. Ðiều này có thể thúc đẩy cuộc chiến giá dầu giữa các nước.

Giá dầu thế giới giảm là tin tốt lành đối với người tiêu dùng. Giá dầu đi-ê-den và nhiên liệu giảm giúp các hãng hàng không và ngành vận chuyển hàng hóa gia tăng lợi nhuận và giảm chi phí hoạt động. Giá nhiên liệu giảm được ví như một chính sách cắt giảm thuế và thúc đẩy chi tiêu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển trong khu vực sẽ vẫn ổn định và giá dầu giảm sẽ có lợi cho nhiều quốc gia. Trong báo cáo cập nhật triển vọng tăng trưởng châu Á 2014 mới công bố, ADB cho rằng, giá dầu giảm trên toàn cầu là cơ hội vàng cho các quốc gia nhập khẩu như In-đô-nê-xi-a hay Ấn Ðộ cải tổ chương trình trợ giá nhiên liệu đắt đỏ đang áp dụng.

Tuy nhiên, giá dầu giảm lại khiến các nhà sản xuất lo lắng. Các doanh nghiệp dầu mỏ nói chung sẽ tiếp tục duy trì sản xuất tại các mỏ đã khai thác, song giá bán giảm mạnh khiến doanh thu bị sụt giảm và khiến họ phải hạn chế chi tiêu vào các dự án thăm dò mới. Công ty Dầu khí BP (Anh) công bố sẽ cắt giảm chi tiêu trong năm 2015 khoảng một tỷ USD. Các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đã đưa ra thông báo sẽ giảm đáng kể các mỏ dầu khai thác mới, giảm chi phí vốn và kết hợp cả hai trong việc khai thác dầu đá phiến trong vài tháng tới. Với 700 triệu thùng dầu dự trữ, giá dầu giảm mạnh khiến Bộ Năng lượng Mỹ bị bốc hơi khoảng 35 tỷ USD kể từ tháng 6. Các nước xuất khẩu dầu như I-ran, I-rắc, Nga, Vê-nê-xu-ê-la hiện phải đau đầu với bài toán thâm hụt ngân sách nghiêm trọng khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn thu từ các doanh nghiệp dầu mỏ quốc doanh.

Trong khi những tác động tích cực và tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh còn đang được tranh luận, thì một thực tế cho thấy việc giá dầu giảm sâu có thể là tín hiệu nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức. Ðiều này được cho là sẽ dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng mà các lợi ích từ việc giá nhiên liệu giảm khó có thể bù đắp.

ÐAN ANH