Go to Top
Trang chủ > Tin tức > “Chứng khoán Việt Nam đang lấy lại niềm tin đã mất”

“Chứng khoán Việt Nam đang lấy lại niềm tin đã mất”

Chứng khoán Việt Nam hiện đang có giá rẻ nhất khu vực trong khi lợi suất ở mức cao.
.


"Chứng khoán Việt Nam đang lấy lại niềm tin đã mất"

Sau khi tăng hơn 20% kể từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam có thể kết thúc năm 2013 với vị trí là một trong những thị trường có diễn biến tốt nhất ở châu Á, tờ Chanel New Asia nhận định.

Chứng khoán Việt Nam hiện đang có giá rẻ nhất khu vực trong khi lợi suất ở mức cao.


Tờ báo này nhận định, chỉ đứng sau TTCK Pakistan về mức lợi suất kể từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam đang lấy lại được phần lớn niềm tin đã để mất trước đó.

Với vị thế là đối thủ cạnh tranh vốn ngoại với nước láng giềng Myanmar, Việt Nam đang có những lợi thế và đứng trước một “cơn gió” vốn ngoại thứ hai.

Theo Daryl Liew, chuyên gia đến từ Reyl Singapore, Việt Nam đã là một điểm nóng ở thời kỳ năm 2006 – 2007. Khi đó, rất nhiều người đổ xô vào thị trường cổ phiếu Việt Nam nhưng sau đó đã phải chịu lỗ lớn. Đây là điều có thể xảy ra tương tự ở Myanmar. Đồng thời, nhà đầu tư vào Myanmar cũng có thể gặp phải tình trạng có quá nhiều tiền để theo đuổi quá ít cơ hội. Thị trường Việt Nam vừa mới điều chỉnh và đây là lợi thế lớn.

Dù bị lấn át bởi một số ưu điểm của Myanmar, Việt Nam vẫn đang trở nên ngày một hấp dẫn trở lại. Chính phủ chuyển hướng mục tiêu từ ủng hộ tăng trưởng sang tạo nên sự ổn định cho nền kinh tế và điều này đã giúp giảm bớt lạm phát và cải thiện cán cân thương mại.

Edward Lee, người phụ trách bộ phận nghiên cứu về châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Standard Chartered Bank, cho rằng nếu nhìn vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013, có thể nhận thấy luồng vốn đầu tư vẫn đang đổ vào Việt Nam bất chấp tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang yếu ớt.

Giới chuyên gia cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đường phục hồi, mặc dù với tốc độ chậm chạp. Chỉ trong năm 2013, 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đổ vào khu vực sản xuất. Tuy nhiên, để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và tăng tốc quá trình phục hồi, Việt Nam cần đưa ra nhiều biện pháp cải cách hơn trong lĩnh vực tài chính để có thể giải quyết vấn đề nợ xấu. Chính phủ Việt Nam vừa cho ra mắt công ty quản lý tài sản VAMC để bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính. Tuy nhiên, VAMC vẫn chưa thể cung cấp đủ vốn.

Alfred Chan, chuyên gia đến từ Fitch Ratings, thì nhấn mạnh điều mà nhà đầu tư ngoại cần là có cổ phần kiểm soát để họ có thể quyết định về cách điều hành ngân hàng. Câu hỏi là quan điểm của chính phủ về lợi ích quốc gia là như thế nào. Ngoài ra, Việt Nam cần cởi mở hơn trong việc tiếp nhận dòng vốn ngoại trong một số lĩnh vực cần thiết. Vốn là điều quan trọng để giúp các ngân hàng phòng chống các rủi ro mà họ gặp phải đối với bảng cân đối kế toán.

Về động thái cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE) của Fed, giới phân tích nhận định Việt Nam sẽ không phải chịu ảnh hưởng nặng nề như các quốc gia láng giềng. “Dòng vốn danh mục (portfolio flows) hiện không có ở Việt Nam và do đó khi dòng vốn bị đảo ngược, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Lee nói.

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Chanel New Asia