Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cơ hội thu hút FDI từ sự bất ổn của Trung Quốc

Cơ hội thu hút FDI từ sự bất ổn của Trung Quốc

(DĐDN) – Sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc đã mang lại cơ hội thu hút FDI nhiều hơn cho Việt Nam. Liệu Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào?

nguonvonFDI

Compal – một trong hai DN gia công hàng điện tử lớn nhất Đài Loan, hiện đang cân nhắc chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông Gary Lu – người phát ngôn của Compal hồi đầu năm trả lời báo giới rằng lý do Cty này muốn chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam do chi phí đầu tư tại Trung Quốc đang tăng cao. Dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đang là một trong những bước đi chiến lược được nhiều Cty nước ngoài như Compal áp dụng. Cty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield vừa qua cũng công bố bảng xếp hạng “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015”, trong đó xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong số các quốc gia mới nổi thu hút ngành sản xuất. “Bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam xét trên phương diện chi phí cạnh tranh. Việt Nam đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng” – ông Alex Crane, TGĐ Cushman & Wakefield Việt Nam khẳng định.

Trong một báo cáo về hoạt động đầu tư vào thương mại toàn cầu của DN Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố, Trung Quốc đã không còn là lựa chọn hàng đầu của các DN Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài. Trong năm 2014, lượng vốn FDI của Nhật đổ vào Trung Quốc chỉ đạt 6,7 tỷ USD, tương đương 1/3 số vốn đổ vào khu vực ASEAN. “Kể từ năm 2013, số Cty chuyển hướng đầu tư vào ASEAN đã nhiều hơn số hướng vào Trung Quốc” – Jetro nhận định trong bản báo cáo, đồng thời cho biết VN là lựa chọn hàng đầu của DN Nhật Bản tại ASEAN.

Tuy vậy, Trung Quốc hiện tại vẫn đang là quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Bộ Thương Mại Trung Quốc, vốn FDI đổ vào quốc gia này trong tám tháng đầu năm đạt 85,34 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vốn FDI vào Trung Quốc vẫn tăng, nhưng Bộ Thương Mại Trung Quốc cũng phải thừa nhận tốc độ tăng này đang chậm lại, do tác động xấu từ sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán, nguy cơ bong bóng bất động sản và biến động của đồng Nhân dân tệ.

Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thu hút FDI, do có những lợi thế như chi phí lao động rẻ hơn, chính trị ổn định và kinh tế Việt Nam cũng đã giữ được sự ổn định trong 3 năm trở lại đây. Những lĩnh vực Việt Nam thu hút nhiều dự án đầu tư nhất sẽ là các dự án thâm dụng lao động như dệt may, sản xuất và lắp ráp điện tử, do sự mở rộng đầu tư của các tên tuổi lớn như Samsung, Jabil, LG, Microsoft hay Nidec.

Rõ ràng sự thay đổi chiến lược đầu tư tại Trung Quốc đang mang lại một cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI. Vấn đề còn lại là liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này. Thực tế Chính phủ cũng đã nỗ lực thay đổi môi trường đầu tư nhằm thu hút thêm các dự án FDI, thông qua việc sửa đổi hai bộ luật quan trọng là Luật Đầu tư và Luật DN. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam hơn nữa.

Ông Hong Sun – Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng một trong những việc cần làm ngay bây giờ để khuyến khích đầu tư FDI vào trong nước là hoàn thành sớm các nghị định hướng dẫn hai bộ Luật Đầu tư và Luật DN, vốn được kỳ vọng sẽ làm thay đổi môi trường đầu tư Việt Nam. Hơn nữa, theo ông Hong Sun, các quy định pháp luật khác cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với những cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Nếu nhìn kỹ hơn vào các dự án FDI tại Việt Nam, có thể thấy rằng phần lớn các dự án vẫn tập trung trong lĩnh vực lắp ráp và gia công, trong khi thiếu các dự án có giá trị gia tăng cao, đặc biệt các dự án nghiên cứu và phát triển.

Về dài hạn, ông Tomaso Andreatta – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam cho rằng Chính phủ cần phải tập trung vào cải thiện chất lượng giáo dục, đồng thời với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng cần phải được cải thiện hơn nữa.

Ngọc Linh