Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp chê Quỹ đầu tư 30.000 tỷ đồng

Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp chê Quỹ đầu tư 30.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp cho rằng việc giảm thuế xuất nhập khẩu, thuế đất… quan trọng hơn việc hỗ trợ về tín dụng, vốn từ Quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dự kiến do Bộ Công thương “cầm trịch”.

Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp chê Quỹ đầu tư 30.000 tỷ đồng

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ tín dụng từ Quỹ đầu tư lên đến 30.000 tỷ đồng

30.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp

Tại dự thảo lần thứ 6 Nghị định về Phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương soạn thảo cho biết sẽ thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ trực thuộc Bộ Công thương là tổ chức tài chính cung cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nguồn vốn dự kiến là 30.000 tỷ đồng.

Theo đó, vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có quyết định thành lập, hai năm đầu tiên mỗi năm cấp 500 tỷ đồng, năm thứ ba cấp 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, quỹ dự kiến tăng vốn từ các nguồn đóng góp tự nguyện và ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho CNHT và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Hoạt động chính của Quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp CNHT.

Đồng thời ủy thác cho các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi các tổ chức, cá nhân hoạt động CNHT, có dự án sản phẩm CNHT và cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước.

Hỗ trợ cơ chế, chính sách

Nhận định về thông tin này, trao đổi với BizLIVE, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí 19-8 cho biết, doanh nghiệp tư nhân không quan tâm nhiều đến gói hỗ trợ này do khó có thể tiếp cận.

“Điều doanh nghiệp tư nhân quan tâm chính là cơ chế về thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…  khác với doanh nghiệp nhà nước ở điểm này”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Nhà máy nhôm Đông Anh (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết, doanh nghiệp không cần nhiều lắm hỗ trợ về vốn, chủ yếu mong muốn hỗ trợ cơ chế nhập khẩu.

“Thuế nhập khẩu, thuế đất của doanh nghiệp CNHT liệu có được giảm hay không? Hiện, so với doanh nghiệp nước ngoài FDI doanh nghiệp Việt Nam đang chịu thiệt thòi do phải chi trả cho các loại thuế này đội giá thành sản phẩm lên cao hơn. Điều này quan trọng hơn những hỗ trợ vay vốn”, ông Đinh Văn Tuấn nói.

Cũng theo ông Đinh Văn Tuấn, việc tiếp cận những dòng vốn hỗ trợ rất khó, thường doanh nghiệp sẽ vay từ các ngân hàng thương mại do các ngân hàng đã có những ưu đãi lãi suất trong trường hợp doanh nghiệp trả lãi cũng như gốc đúng hạn.

Theo thông tin từ ông Đinh Văn Tuấn, hiện thuế nhập khẩu tôn nguyên liệu đầu vào của công ty là 2%, mỗi năm doanh nghiệp nhập khẩu 6.000-7.000 tấn tương đương khoảng 500 tỷ đồng thuế nhập khẩu và khoảng hơn 10 tỷ đồng thuế đất cho diện tích đất khoảng 28 ha và không có bất kỳ sự miễn giảm nào.

Hiện, Nhà máy nhôm Đông Anh đang cung cấp ống máy hút bụi cho Samsung, LG (Hàn Quốc). Đánh giá về việc cung cấp linh kiện cho Samsung, LG, ông Đinh Văn Tuấn cho biết, phía Samsung yêu cầu chất lượng và số lượng sản phẩm ở mức độ cao.

“Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng, chúng tôi đi theo phương án liên doanh với một doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc thay vì mạo hiểm làm trực tiếp với Samsung”, ông Đinh Văn Tuấn nói.

Nguồn: Báo bizlive