Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Công nghiệp ôtô: Đột biến từ chính sách kích cầu

Công nghiệp ôtô: Đột biến từ chính sách kích cầu

Dự thảo “Quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô ở Việt Nam- định hướng đến năm 2020- tầm nhìn 2030” đang chờ Chính phủ thông qua.
.

TS. Dương Đình Giám- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Bản dự thảo quy hoạch lần này có những điểm mới gì, thưa ông?

Nếu như mọi người vẫn quan niệm là đưa chính sách vào cuộc sống thì chúng tôi lại cho rằng phải đưa cuộc sống vào chính sách, tức là phải xuất phát từ thực trạng của công nghiệp ôtô nói riêng và các ngành công nghiệp khác nói chung. Nếu chỉ chủ quan từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách mà không hiểu được vị thế của các DN trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam thì chính sách đó sẽ không nhận được sự đồng thuận của DN. Vì thế, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp đã tổ chức nhiều buổi tham vấn với các DN sản xuất, lắp ráp ôtô để lắng nghe ý kiến phản biện của họ. Ngoài ra, chúng tôi đã có nhiều cuộc tham vấn khác với từng DN, thậm chí có những DN quan tâm tới dự thảo như Toyota, Honda, Ford, GM, Trường Hải và Xuân Kiên đã làm việc với viện nhiều lần.

Xin ông cho biết những điểm khác biệt của Dự thảo quy hoạch qua những lần tham vấn DN và so với quy hoạch năm 2004?

Điểm khác biệt cơ bản là quy hoạch lần này sẽ tập trung vào các chính sách nhằm kích cầu thị trường, từ đó giúp nhà sản xuất có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Có một số “đột biến” sau khi tham vấn DN, thể hiện ở nhận thức của người làm chính sách và cả DN. Lúc đầu chúng tôi “áp đặt” tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu, vì nghĩ là nếu không áp đặt thì công nghiệp ôtô VN sẽ vẫn như cũ, chỉ đơn thuần là lắp ráp. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ nội địa hóa của họ khác nhau nên mức “áp đặt” được đưa ra lại không phù hợp, phải lựa chọn những phương án khác.

TS. Dương Đình Giám:

Sẽ không có các quy định cứng nhắc về dòng xe chiến lược mà chỉ đưa ra các tiêu chí, đảm bảo yêu cầu: Phát triển được công nghiệp ôtô, đáp ứng được mục tiêu kinh doanh của nhà sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng.

Vậy tỷ lệ nội địa hóa cũng như các chính sách ưu đãi cho phát triển công nghiệp ôtô được cả DN và người làm chính sách thấy “hợp lý” là gì, thưa ông?

Từ những ý kiến của DN, các nhà làm chính sách đã quyết định lấy mức 40% tỷ lệ nội địa hóa là mức ưu đãi cao nhất, nhưng do trình độ nội địa hóa của các DN khác nhau, nên mức độ ưu đãi cũng sẽ khác nhau. Việc xác định % tỷ lệ nội địa hóa cũng không cứng nhắc như trước đây mà phù hợp với trình độ kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam nhằm khuyến khích DN mở rộng khả năng nội địa hóa. Tuy nhiên, nguyên tắc tính theo giá trị của Asean vẫn được tuân thủ.

Về lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết AFTA, chúng tôi cũng đã có đề xuất từ năm 2014 – 2016 sẽ giữ mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô là 50%, năm 2017 rút xuống còn 30% và chính thức về 0% vào năm 2018. Các nhà làm chính sách đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe nội địa, nhưng đề xuất này vi phạm các cam kết của WTO. Theo đó, thuế suất bắt buộc phải giống nhau giữa các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Công thương