Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cuộc đua tiền tệ mới

Cuộc đua tiền tệ mới

Các cuộc chiến tranh tiền tệ lại đang nóng lên trên toàn cầu, khi các NHTW một lần nữa tham gia vào một vòng nới lỏng mới để chống lại sự suy giảm tăng trưởng.
.

Tuần qua NHTW châu Âu (ECB) đã giảm tỷ lệ lãi suất chủ chốt, một quyết định khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng thực chất là kiềm chế đồng euro sau khi đồng tiền này tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Cùng ngày, các nhà hoạch định chính sách Séc cũng cho biết họ đang can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên trong vòng 11 năm để hạ giá đồng koruna. New Zealand cho biết họ có thể làm chậm lại đà tăng của nội tệ so với USD, và Australia cũng cảnh báo rằng đồng tiền nước này đang “cao một cách bất hợp lý”.

Với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ triển vọng kinh tế toàn cầu và lạm phát chậm lại xuống mức có thể ảnh hưởng tới đầu tư, các quốc gia và NHTW đang xem xét lại chính sách của mình theo hướng tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc làm yếu đi nội tệ.

Dấu hiệu một cuộc “chiến tranh”

Những động thái này có nguy cơ tạo ra một chu kỳ mới mà Bộ trưởng Tài chính Brazil năm 2010 đã gọi là “chiến tranh tiền tệ”, chỉ 2 tháng sau khi Nhóm G20 cam kết “kiềm chế sự phá giá cạnh tranh”.

“Chúng ta đang thấy một kỷ nguyên mới của cuộc chiến tranh tiền tệ”, Neil Mellor, chiến lược gia ngoại hối của Ngân hàng New York Mellon trụ sở ở London , cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 8/11 vừa qua.

Hôm 7/11/2013 ECB đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,25%, một động thái bất ngờ bởi chỉ có 3 trong số 70 nhà kinh tế được Bloomberg phỏng vấn dự đoán đúng.

Chủ tịch ECB ông Draghi cho biết việc giảm lãi suất nhằm giảm nguy cơ một “kỳ dài” lạm phát thấp và đồng euro mạnh “không có bất cứ vai trò nào” trong quyết định này. Lạm phát giá tiêu dùng của khu vực đồng euro vẫn ở dưới mục tiêu 2% suốt 9 tháng qua.

Đồng euro đã giảm giá tới 1,6% so với USD chỉ trong một ngày sau quyết định giảm lãi suất, mức giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm, trước khi kết thúc tuần (hôm 8/11) ở mức 1,3367 USD.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng tiền chung đã tăng 5,6% so với rổ 9 đồng tiền của các đối tác kinh tế phát triển, với đỉnh cao là hôm 29/10/2013 (khi euro tăng giá 7,2% so với hồi đầu năm).

Kinh tế yếu

“Trên thế giới còn nhiều nền kinh tế rất yếu với lạm phát rất thấp”, Alan Ruskin, chuyên gia tiền tệ thuộc ngân hàng Deutsche Bank AG phân tích. Theo ông, Nhật Bản là điển hình của những năm giảm phát triền miên, và “không ai muốn điều đó”. Theo ông, quyết định của ông Draghi cho thấy đây thực sự là một vấn đề nghiêm túc, và vấn đề của CH Séc cũng tương tự.

Động thái của ngân hàng Quốc gia Séc đã khiến đồng koruna giảm 4,4% so với euro hôm 7/11, mức giảm mạnh nhất kể từ khi đồng tiền chung ra đời năm 1999, Thống đốc Miroslav Singer cam kết sẽ bán đồng koruna “khi cần thiết” để thúc đẩy tăng trưởng.

NHTW Peru hôm 4/11 đã bất ngờ quyết định giảm lãi suất tiền vay lần đầu tiên trong vòng 4 năm do tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào hàng hóa này bị chậm lại. Peru đã giảm lãi suất qua đêm 0,25 điểm phần trăm xuống 4%, từ mức 4,25% trước đó. Nói đây là một bất ngờ bởi tất cả những nhà kinh tế được Bloomberg phỏng vấn đều nhận định là lãi suất của Peru sẽ được giữ nguyên.

Thương mại giảm sút

Tháng trước IMF đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 2,9% năm 2013 và 3,6% năm 2014, từ mức lần lượt 3,1% và 3,8% dự báo hồi tháng 7, đồng thời cho biết lạm phát ở các nền kinh tế phát triển vẫn dưới mức 2% mà hầu hết các ngân hàng trung ương mong đợi.

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/9 vừa qua, người đứng đầu IMF cho biết, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm xuống 2,5% trong năm 2013. Mặc dù vậy, những người tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg cũng nhất trí “kiềm chế việc phá giá tiền tệ để cạnh tranh” và không “nhằm mục tiêu tỷ giá hối đoái của mình phải ở mức cạnh tranh”.

Kỷ nguyên mới

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Graeme Wheeler, đã chỉ ra nguy cơ lạm phát chậm lại và đồng tiền tăng giá là những lý do khiến quốc gia này không tăng tỷ lệ lãi suất chính thức từ mức thấp kỷ lục 2,5% trong năm nay, mặc dù điều đó rất cần thiết khi mà thị trường nhà đất của nước này quá nóng. Đồng kiwi đã tăng giá 4,5% trong 4 tháng qua.

Đô la Australia thì bị định giá cao hơn 27% so với USD, theo tính toán dựa trên sức mua tương đương của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ngân hàng Dự trữ Australia đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng trong 2 năm tới xuống 2%-3%, từ mức lần lượt 2,5% và 3,5% cách đây 3 tháng.

Bộ Tài chính Hàn Quốc tháng qua cho biết họ có thể hành động để chống lại “hành vi bầy đàn” về tiền tệ, và Ngân hàng Hàn Quốc cũng đã giảm triển vọng về kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi tháng 10 cho biết họ cần thấy bằng chứng về sự phục hồi của Mỹ trước khi giảm quy mô mua trái phiếu kho bạc và giấy nợ – chương trình bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Kết quả cuộc khảo sát của Bloomberg tiến hành tuần trước cho thấy các nhà phân tích dự báo Fed sẽ hoãn cắt giảm QE cho tới tháng 2 năm sau, mặc dù báo cáo của Bộ Lao động công bố hôm 8/11 cho thấy số việc làm mới trong tháng 10 cao hơn dự báo đạt 204.000.

“Mọi người không hài lòng khi đồng USD yếu, vì khi đó đồng tiền của họ trở nên mạnh”, ông Mellor của Bank of New York cho biết. “Chúng ta đã thấy sự thay đổi xu hướng từ Hàn Quốc, tới Australia và New Zealand”.

 

 

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg