Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Dấu hiệu cơn ác mộng của Nga chưa chấm dứt

Dấu hiệu cơn ác mộng của Nga chưa chấm dứt

Chuyên gia dự đoán kinh tế Nga có thể sụp đổ nếu giá dầu xuống 40 USD/thùng, nhưng tình hình sẽ ra sao khi giá dầu được cho còn xuống 20 USD/thùng?

Ngày 9/2, ngân hàng Citigroup công bố một báo cáo nói rằng, bất chấp sự phục hồi gần đây của giá dầu do các công ty dầu lửa cắt giảm đầu tư, sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang gia tăng. Bên cạnh đó, theo báo cáo, Nga và Brazil cũng đang khai thác dầu ở mức kỷ lục, còn Saudi Arabia, Iraq và Iran đều cùng ra sức bảo vệ thị phần bằng cách cắt giảm giá dầu bán cho khách hàng châu Á.

Bản báo cáo nhấn mạnh, thị trường dầu đang thừa cung, và các kho chứa dầu của thế giới đều đáng tràn trề, nên chưa thể nói là giá dầu đã ngừng giảm.

Nhà phân tích Edward Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản toàn cầu của Citigroup đánh giá, sản lượng dầu toàn cầu khó có thể giảm trước quý 3 năm nay. Bởi vậy, theo ông Morse, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ có thể sẽ xuống mức 20 USD/thùng một thời gian nữa.

Một người bộ hành đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow hôm 30/1/2015 -
Một người bộ hành đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow hôm 30/1/2015

Dù đang “tơi tả” vì giá dầu và đồng Rúp, Moscow còn phải đối mặt với nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoản ngân hàng. Trong khi ngày càng có nhiều khách hàng gửi tiền rút tiền mặt khỏi các ngân hàng Nga, không ít khách hàng vay tiền không thể thanh toán khoản vay.

Việc đồng Rúp mất giá khiến những khoản vay mua nhà bằng ngoại tệ trở thành gánh nặng khổng lồ với người Nga. Một nhóm nhà hoạt động đại diện cho hàng chục nghìn người vay mua nhà Nga đã gửi thư cho Tổng thống Putin, đề nghị Chính phủ giúp đỡ họ trả nợ.

“Kính gửi ngài Vladimir Vladimirovich, chúng tôi không yêu cầu ngài xóa nợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thanh toán. Nhưng nghĩa vụ trả nợ cần phải công bằng và nên được tính bằng nội tệ”, nội dung lá thư cho biết. Yêu cầu này đã được đăng tải trên các báo Vedomosti và Kommersant cũng như trang mạng xã hội của nhóm với nội dung cho rằng Chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm phần nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trước khủng hoảng, vay mua nhà bằng ngoại tệ rất phổ biến tại Nga, do các nhà băng Nga niêm yết lãi suất chỉ bằng một nửa so với vay bằng đồng Rúp. Các ngoại tệ phổ biến là USD, euro và franc Thụy Sĩ, nhưng USD vẫn được ưa chuộng nhất.

Ngân hàng trung ương Nga đang khuyến khích nhà băng nước này chuyển đổi các khoản cho vay bằng USD và euro sang đồng Rúp nhằm ngăn nội tệ giảm sâu hơn nữa. Trong một bức thư gửi các ngân hàng hồi tháng 1, cơ quan này đã khuyến khích sử dụng tỷ giá chính thức từ tháng 10, với 33 Rúp đổi một USD. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể phải chịu tổn thất lớn, do trên thị trường, một USD hiện tương đương 66 Rúp.

Trong quá khứ, nước Nga đã phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng. Vào năm 1998, khi giá dầu giảm dưới 10 USD/thùng, nước này vỡ nợ 40 tỷ USD và phải phá giá đồng Rúp. Một thập kỷ sau, Chính phủ Nga đã chi hơn 4 nghìn tỷ Rúp để giải cứu các ngân hàng trong bối cảnh nguồn tín dụng toàn cầu bị siết chặt sau năm 2008. Và hiện tại, Moscow đã cam kết chi hơn 1.000 tỷ Rúp để hỗ trợ các ngân hàng, và có thể chi thêm để ngăn những vụ vỡ nợ.

Nhiều ý kiến từng tỏ ra hoài nghi trước dự đoán, nếu giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùn, nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ giống như Liên Xô. Tuy nhiên, với những dự báo nói trên, người Nga sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Minh Thái (Tổng hợp)