Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Điện mặt trời: Vẫn chờ cơ chế giá

Điện mặt trời: Vẫn chờ cơ chế giá

Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo có tính khả thi cao tại Việt Nam, tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được biểu giá cụ thể khiến dạng năng lượng này vẫn ở dạng tiềm năng.

Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo vô tận (Ảnh minh họa)

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu thảo luận tại Hội thảo phát triển điện mặt trời ở Việt Nam với chủ đề: Cơ hội và thách thức do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VEA) tổ chức vào sáng ngày 21/9, tại Hà Nội.

Đại diện VEA cho biết, để phát triển điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nêu rõ định hướng phát triền nguồn năng lượng mặt trời, cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia.

Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án điện mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ lắp đặt trên nóc nhà, đưa công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW năm 2020, khoảng 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Cuối năm 2015 – đầu năm 2016, Viện Năng lượng và các cơ quan liên quan đã hoàn thành cơ chế hỗ trợ điện mặt trời nối lưới, bao gồm biểu giá điện cố định, kèm theo các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế nhập khẩu thiết bị, cơ sở hạ tầng…. Dự kiến, giá bán cố định đối với điện mặt trời nối lưới là 11,2 UScents/kWh. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa được Chính phủ thông qua.

Ông Đặng Đình Thống – chuyên gia năng lượng – cho rằng hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, nhất là khu vực phía Nam, tuy nhiên do thiếu chính sách về giá điện mặt trời khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trở nên kém hấp dẫn.

Thống kê của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương. Đáng chú ý có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ… đã đăng ký đầu tư vào một số tỉnh miền Trung.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng đang bắt đầu nghiên cứu, đầu tư vào thị trường năng lượng sạch nhiều hơn. Đơn cử như Tổng công ty điện lực miền Trung có dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 150 MW tại Khánh Hòa; Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự định triển khai nghiên cứu hai dự án tại Đồng Nai và Bình Thuận, Ninh Thuận.

Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời, khi mật độ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 4,3 kWh/m2, số ngày nắng nóng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm. Nhưng nếu không sớm

Nhiều ý kiến cho rằng có thể phát triển điện mặt trời ở 2 quy mô công nghiệp tập trung và điện mặt trời lắp mái. Tuy nhiên cần có chính sách đồng bộ thì nguồn tài nguyên vô tận này sẽ bị lãng phí.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch nhóm công tác năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, cho biết các chính sách về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời chưa chưa đầy đủ, chưa hình thành, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết. Nguồn nhân lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, ứng dụng năng lượng sạch còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực này cần nhiều vốn nhưng chi phí đầu ra chưa rõ ràng, nên làm cản trở đầu tư.

Ông Diệp Bảo Cảnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ – một đơn vị cũng có dự án điện mặt trời – thì cho rằng nhân lực chuyên môn cho các cấp quản lý hiện nay đang thiếu kiến thức chuyên sâu về điện mặt trời, nên rất khó trong xem xét các khâu thẩm định phê duyệt dự án, quy hoạch, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật..

Bên cạnh đó, để điện mặt trời phát triển thì phải huy động nguồn lực tài chính tổng lực của toàn xã hội. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng và ngân hàng hoàn toàn không có kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho việc thẩm định và xét duyệt tín dụng cho các dự án điện mặt trời.

Do đó, ông Cảnh cho rằng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời, ví dụ như tiêu chuẩn tấm, giàn khung đỡ… để làm cơ sở thẩm định và từ đó giúp người tiêu dùng mua sản phẩm đúng chất lượng, giá cạnh tranh lành mạnh.

Còn theo ông Thống, nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là cơ chế giá điện. Được biết, hiện các nhà đầu tư đã rất sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này và có những chuẩn bị cần thiết, nhưng nút thắt là giá điện cần được tháo gỡ, trên cơ sở giá bán điện mặt trời được xác định các chi phí, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý.

Đình Dũng