Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Điều tiết nhập siêu hợp lý

Điều tiết nhập siêu hợp lý

Theo số liệu mới công bố của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu khoảng 3,75 tỷ USD (4,8% kim ngạch xuất khẩu). Để kiềm chế nhập siêu cả năm ở mức 5% như mục tiêu đề ra, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, cần có những giải pháp lâu dài.

Dấu hiệu tích cực

Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt khoảng 81,498 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2014 (tương đương 12,3 tỷ USD). Nhóm hàng cần nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất trong nước, cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho gia công, xuất khẩu vẫn chiếm đa số, ước đạt 71,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi nó chứng tỏ sản xuất kinh doanh trong nước đã có nhiều khởi sắc.

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng.

Tình hình nhập siêu không phải là điều bất ngờ mà đã được lường trước từ cuối năm 2014. Lý do nhập siêu năm 2015 tăng trở lại không chỉ do xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá, mà còn do tổng nhập khẩu tăng nhanh, gắn với nhu cầu đầu tư cho sản xuất, nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, thiết bị trong các ngành dệt may, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, điện tử và sự mở rộng cửa cho các sản phẩm, dịch vụ từ các nước vào Việt Nam. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tục xuất siêu là dấu hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế.

“Theo lý thuyết, nhập siêu sẽ tạo ảnh hưởng không tốt nhưng trong điều kiện hiện nay của nước ta thì nhập siêu lại có mặt tích cực vì nó chứng tỏ tổng cầu nền kinh tế tăng lên. Doanh nghiệp nhập nguyên liệu trở lại để phục hồi sản xuất. Trong điều kiện kinh tế chưa tái cấu trúc được, tồn tại tình trạng gia công… thì chúng ta phải nhập siêu”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, tỷ trọng của nhóm hàng cần nhập khẩu đã tăng mạnh, điều này cần khuyến khích chứ không phải lo lắng. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất nên phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Ba năm qua, xuất siêu chủ yếu do động lực tăng công suất của những dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Những năm tới, khi các dự án đã “đến ngưỡng” xuất khẩu thì khả năng nhập siêu quay lại. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể xuất siêu mà phải nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên nhiên liệu để đẩy mạnh sản xuất.

Hạn chế nhập hàng xa xỉ

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nhóm cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ; còn nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt 3,06 tỷ USD, cũng tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, việc nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm chứng tỏ tâm lý sính ngoại của người Việt vẫn chưa giảm. Hàng xa xỉ không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như làm hao tổn nguồn lực ngoại tệ của đất nước. “Nhà nước không cấm nhưng cần có biện pháp để hạn chế trong điều kiện nền kinh tế luôn khan hiếm ngoại tệ và nhập siêu kéo dài suốt những năm trước. Để giảm nhu cầu dùng hàng ngoại xa xỉ, có thể áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao, hoặc có thể sử dụng các biện pháp khác mà không vi phạm các cam kết đã kí với các nước như tạo thủ tục hành chính, thuế quan ngặt nghèo hơn đối với các mặt hàng này”, TS Doanh đề xuất.

Còn TS Nguyễn Minh Phong cũng đề nghị, sau khi kí kết rất nhiều các FTA với các nước thì Việt Nam buộc phải tuân thủ lộ trình cắt giảm thuế đối với hàng hóa nước ngoài, nhưng ngoài các công cụ đó, cơ quan quản lý vẫn có thể sử dụng hàng rào kỹ thuật như đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn môi trường, hay các biện pháp khác về tài chính để kiểm soát nhập khẩu như hạn chế cho vay để nhập khẩu nhóm hàng này.

Tuy nhiên, do hội nhập, chúng ta không thể “đóng cửa”, hay vận động suông người dân không nên sử dụng những mặt hàng này. Giải pháp lâu dài là phải cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng, nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất thị trường trong nước. Các chuyên gia cho rằng, về mặt chính sách, cơ quan chức năng cần giúp doanh nghiệp trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, tận dụng lao động trong nước để giảm giá thành và chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hoàng Dương