Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Eurozone chật vật vượt khó khăn

Eurozone chật vật vượt khó khăn

Mặc dù được cho là đã vượt qua giai đoạn suy thoái, song các quốc gia Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) vẫn không thể lạc quan, khi những khó khăn lớn vẫn đang “bủa vây” nền kinh tế. Trước áp lực nặng nề của tình trạng giảm phát và đồng ơ-rô liên tục rớt giá, các nhà lãnh đạo Eurozone đang tức tốc tìm giải pháp đẩy lùi những gam màu u tối trên bức tranh kinh tế khu vực năm 2015.

Tỷ lệ thất nghiệp cao đang là vấn đề nan giải của nhiều nước Eurozone.                  Ảnh AP

Không khí căng thẳng đang bao trùm các nước Eurozone sau khi cơ quan thống kê của Liên hiệp châu Âu (Eurostat) vào ngày 7-1 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của khu vực trong tháng 12-2014 giảm 0,2% so cùng kỳ năm 2013, lần đầu rơi vào giới hạn tăng trưởng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Như vậy, nền kinh tế của liên minh tiền tệ gồm 19 thành viên đã có dấu hiệu rơi vào giảm phát. Suốt thời gian qua, tình trạng lạm phát thấp kéo dài luôn khiến các nhà lãnh đạo khu vực phải “đau đầu”. Mặc dù Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra không ít biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát, bao gồm hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng, triển khai chương trình mua tài sản…, nhưng những nỗ lực này cũng chỉ như “muối bỏ bể” trước đà sụt giảm nhanh chóng của giá cả. Những số liệu gần đây về tỷ lệ lạm phát thấp ở mức báo động tại Ðức – “đầu tàu kinh tế” Eurozone cũng phần nào đặt ECB dưới sức ép tìm ra giải pháp táo bạo, quyết liệt hơn trong năm 2015. Tỷ lệ lạm phát của Béc-lin trong tháng 12-2014 chỉ ở mức 0,2%, mức thấp nhất trong hơn năm năm qua. Sau khi các thông tin u ám được công bố, ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng, ECB sẽ buộc phải đưa ra kế hoạch mua trái phiếu chính phủ của các nước Eurozone – một biện pháp tương tự như chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ, để từng bước đẩy lùi “bóng ma” giảm phát đang rình rập, đe dọa nền kinh tế.Những ngày đầu năm 2015, thông tin về việc Hy Lạp có khả năng rút khỏi Eurozone cũng khiến thị trường cổ phiếu rung chuyển mạnh và các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Cụ thể, đầu tháng 1-2015, chỉ số chính trên các thị trường chứng khoán Pa-ri, Ma-đrít và Mi-lan giảm hơn 3%. Chỉ số DAX 30 Frankfurt của Ðức giảm 2,99% trong khi chỉ số FTSE 100 London của Anh giảm hơn 2%. Bên cạnh đó, giá của đồng ơ-rô cũng sụt giảm thê thảm so với đồng USD và dự báo chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian sắp tới. Mở đầu phiên giao dịch vào sáng 5-1 vừa qua, giá đồng ơ-rô tụt xuống mức thấp nhất trong vòng chín năm qua so “đồng bạc xanh”, ở mức 1,1944 USD/ơ-rô. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu biện pháp QE được ECB tung ra thì cũng đồng nghĩa với việc tổ chức này buộc phải in thêm tiền, và đây là một trong những nguyên nhân khiến giá đồng ơ-rô khó lòng vực dậy trong thời gian trước mắt.Tỷ lệ thất nghiệp cao hiện cũng là thách thức lớn của Eurozone. Tính đến tháng 12-2014, số lượng người thất nghiệp ở Tây Ban Nha vào khoảng 4,4 triệu người. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại “xứ sở bò tót” có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, song Tây Ban Nha vẫn là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu. Còn ở I-ta-li-a, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11-2014 đã tăng lên mức cao kỷ lục với 3,46 triệu người bất chấp những nỗ lực cải cách môi trường lao động và việc làm của chính phủ Thủ tướng M.Ren-di. Nhiều quốc gia khác của Eurozone như Pháp, Áo… cũng đang chật vật tìm hướng giải quyết cho “bài toán” việc làm hóc búa này.Kinh tế tăng trưởng chậm chạp, tình trạng thất nghiệp gia tăng dần khiến các cử tri mất đi lòng tin với chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà nhiều nước trong khu vực đang theo đuổi, từ đó tạo cơ hội cho các đảng phái đối lập đảo ngược tình thế. Tình hình hiện nay tại Hy Lạp – “mắt xích yếu” của Eurozone, chính là một thí dụ. Cuộc tổng tuyển cử với khả năng thắng lợi cao thuộc về tay đảng đối lập Syriza – vốn chủ trương đi ngược lại chính sách kinh tế khắc khổ của chính quyền A-ten, đang làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và sớm rời khỏi “con tàu kinh tế” Eurozone. “Kịch bản Grexit” xảy ra không chỉ khơi mào cho những rối ren trên thị trường tài chính khu vực, mà quan trọng hơn, còn làm bùng nổ tranh cãi gay gắt giữa phe bảo vệ chính sách khắc khổ và phe phản đối, đe dọa sự liên kết trong Eurozone.Giới chuyên gia nhận định, trong năm 2015, Eurozone có thể vẫn tiếp tục là “mối rủi ro” của nền kinh tế toàn cầu. Chặng đường vượt khó của khối này trong một năm tới sẽ không mấy dễ dàng, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải nỗ lực cao độ để đưa ra sáng kiến kích cầu, cũng như thắt chặt hơn nữa lòng tin và sự đoàn kết giữa các quốc gia trong nội bộ liên minh tiền tệ này.

MINH HẰNG