Go to Top
Trang chủ > Tin tức > FDI giữ nhịp tăng trưởng

FDI giữ nhịp tăng trưởng

Trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp trong nước đứng trước nhiều thử thách chưa bao giờ có từ khi đổi mới. Khối DN FDI với những đóng góp không nhỏ càng trở thành điểm sáng của nền kinh tế.

Tỷ lệ vốn FDI trên tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội

Tuy nhiên, một giai đoạn Việt Nam thu hút vốn FDI bằng mọi giá đã đi qua. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 năm kể từ VN chính thức gia nhập WTO, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào VN đã có sự phát triển vượt bậc, gia tăng mạnh mẽ cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký.

Nguồn lực không thể thiếu

Chỉ tính riêng về tỷ trọng vốn đầu tư FDI/ tổng vốn đầu tư của nền kinh tế, vốn FDI đã và đang có một vị thế không nhỏ. Nếu trong giai đoạn trước hội nhập (giai đoạn 2001-2006), ĐTNN đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thì giai đoạn 2007-2014, với sự gia tăng đáng kể về vốn giải ngân, khu vực ĐTNN có sự cải thiện về đóng góp. Cụ thể từ năm 2007 cho đến 2012, vốn FDI luôn chiếm tỷ trọng từ 21-30% trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, trong giai đoạn hiện nay, trước khó khăn của khối DN trong nước vì sự khó khăn chung của kinh tế thế giới, vốn FDI với lợi thế chi phí vốn rẻ, có sẵn thị trường ổn định và công nghệ cao, giá trị gia tăng cao càng phát huy được sức mạnh của mình.  “Vốn FDI đã chiếm khoảng 25% trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp 18% GDP, từ 64-67% trong kim ngạch xuất khẩu; từ 12-14% trong đóng góp cho ngân sách.Ngoài ra, khu vực FDI còn tạo ra hơn 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2013, FDI đã đóng góp quan trọng trong cân đối chính sách xuất nhập khẩu và cân đối ngoại tệ”, Thứ trưởng cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ trọng vốn FDI / tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đã đạt mức 25,1%. Đáng chú ý là liên tiếp từ năm 2013 cho đến nay, đã và đang có nhiều dự án lớn, quy mô vốn lớn, tạo việc làm cho nguồn lao động trực tiếp tại Việt Nam lớn và hứa hẹn thúc đẩy hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở một số lĩnh vực, đã đăng kí bổ sung, mở rộng hoạt động dài hạn tại Việt Nam. Có thể nói, như một nguồn lực quan trọng, vốn FDI cũng góp phần giữ nhịp tăng trưởng cũng thể hiện sự ổn định đầu tư vào Việt Nam.

Một đại diện của Ngân hàng Mitshubishi chi nhánh TP HCM dẫn hiện tượng ngày càng có nhiều DN vừa và nhỏ của Nhật vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, và lí giải: Ở một góc độ khác , điều đó cũng thể hiện quy luật tất yếu của xu hướng đầu tư – theo bước chân của các DN tập đoàn xuyên quốc gia vào thị trường ở giai đoạn nào đó – thì giai đoạn tiếp sau sẽ là sự tập trung/kéo cả những DN phụ trợ trong chuỗi cung ứng.

Nói cách khác, định hướng của Việt Nam bên cạnh thu hút FDI ở những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia, là thu hút cả những dự án của các DNVVN, là hoàn toàn chính xác.

Nhưng…

Phân tích sâu hơn về tín hiệu thay đổi này, Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng đây là hiện tượng cần lưu ý để xác nhận Việt Nam đã thực sự coi trọng chất lượng FDI. Bởi nhìn chung, việc DN lớn vào Việt Nam kéo theo sau các chuỗi DN nhỏ và vừa là điều hợp lí, song nếu không có những quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập DN FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì “chưa biết điều gì sẽ xảy ra”, Giáo sư nói.

Xét về mặt chủ trương, Thứ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Văn Trung khẳng định từ lâu, Đảng và Nhà nước không có chính sách phân biệt DN trong nước và DN FDI. Dù vậy, một trong những điểm thể hiện chất lượng của nguồn vốn FDI ngày càng có hiệu ứng lan tỏa với nền kinh tế, không chỉ là sự đóng góp trong tổng vốn đầu tư mà còn đòi hỏi một sự liên kết, hợp tác, giao thoa để DN nội địa và FDI cùng song hành phát triển.

Cũng theo ông Trung, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn với các DN nước ngoài khi đang có những cuộc đàm phán ở giai đoạn cuối các Hiệp định liên quan đến FDI với khu vực và các quốc gia ở EU, Nga, Hàn Quốc…, những dự án đầu tư lớn đã và đang hứa hẹn tiếp tục sẽ vào VN kéo theo những DNVVN, việc định hướng các lĩnh vực ưu tiên cho nền kinh tế như các ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông lâm ngư; các hoạt động sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu và khu vực để bù đắp thiếu hụt đầu tư do sự dịch chuyển FDI từ Việt Nam sang các nước có chi phí lao động thấp hơn… rất quan trọng.

Ngày nay, Việt Nam  đã qua thời mở cửa thu hút FDI bằng mọi giá, chấp nhận mọi dự án khai thác tài nguyên thô, tác hại môi trường, thâm dụng lao động, không đòi hỏi công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Để hiện thực hóa mục tiêu thu hút FDI tốt hơn và kích hoạt vốn FDI về chất lượng, đã đến lúc Việt Nam cần có những định hướng cụ thể về thu hút FDI. Theo đó, Luật Đầu tư sửa đổi kì vọng sớm được thông qua, với những điều kiện “mở”, dỡ các rào cản để cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho mọi khối DN, sẽ tạo nên một cú hích chính sách đối với chiến lược thu hút thị trường, thu hút đối tác và cải thiện hơn nữa hình ảnh Việt Nam, trong nỗ lực mở cửa đón mọi dòng đầu tư quốc tế.

 Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi và các chính sách thuế, có thực sự mở một cánh cửa mới chào đón mọi nguồn lực đầu tư, quan trọng nhất, vẫn cần những ý kiến đóng góp của chính các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Lê Mỹ