Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Giải pháp cho ngành công nghiệp ôtô: Chính sách đột phá và dòng xe chiến lược

Giải pháp cho ngành công nghiệp ôtô: Chính sách đột phá và dòng xe chiến lược

Tìm kiếm những giải pháp mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô vẫn đang là đề tài được dư luận quan tâm, nhất là trong xu hướng hội nhập khu vực và thế giới với việc thực hiện nhiều cam kết.
.


Mẫu xe E250 đang trong quá trình lắp ráp tại nhà máy của Mercedes – Benz VN

Trong các số báo trước chúng tôi đã đề cập đến kinh nghệm thành công trong phát triển công nghiệp ôtô của một số nước trong khu vực. Liệu VN có nên học hỏi những kinh nghiệm đó và thực hiện như thế nào?

Chính sách đột phá thế nào?

Tại một cuộc tọa đàm mới đây về phát triển ngành công nghiệp ôtô VN trong xu thế hội nhập ông Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương – đơn vị chấp bút xây dựng dự án Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cho rằng quan điểm và mục tiêu của quy hoạch về cơ bản không có gì khác so với trước đây, bởi vì đều muốn hướng tới xây dựng một ngành CN ôtô, bao gồm cả sản xuất phụ tùng, lắp ráp và sản xuất xe nguyên chiếc (tỉ lệ NĐH) trên 50%. Về cơ bản, chính sách cũ gặp phải bất cập như chậm ban hành chính sách, nguồn ưu đãi dàn trải.

Cái mới là việc xây dựng thiết kế chính sách mới có khác với giai đoạn trước. Và nếu muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô thì phải có chính sách đột phá. Vậy chính sách đột phá đó là gì? Thứ nhất, quan tâm tới người tiêu dùng (Khác với trước đây hệ thống chính sách chủ yếu nhắm vào khu vực sản xuất, ưu đãi cho các nhà sản xuất làm sao cho giá cả phù hợp với thị trường). Thứ hai, không ưu đãi cả ngành công nghiệp ôtô mà sẽ đặc biệt ưu đãi với ngành cần kích thích. Thứ ba, những chính sách ban hành cần phải lâu dài, ít thay đổi.

Nhận định về những quan điểm này, hầu hết các DN đều cho rằng, có thể coi đó là cái mới, cái khác so với quan điểm trước đây, nhưng nếu nói là đột phá thì chưa đúng, nhất là khi ba vấn đề này chỉ mang tính chung chung, không có gì cụ thể. Ví dụ như quan tâm, ưu đãi đối với người tiêu dùng thì quan tâm như thế nào? Ưu đãi với ngành cần kích thích được hiểu như thế nào?

Những câu hỏi về dòng xe chiến lược




Trong khi VN đang loay hoay với dòng xe chiến lược thì các nước trong khu vực đang tích cực chuyển sang sản xuất xe nhỏ, thân thiện môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh.

Một trong những điểm mới trong bản quy doạch dự thảo lần này như chúng tôi đã từng đề cập là việc lựa chọn dòng xe chiến lược, tập trung phát triển với sản lượng lớn mà cụ thể là dòng xe dưới 9 chỗ. Thực tế, việc lựa chọn này cũng đã được đặt ra nhiều lần và về cơ bản cũng tương tự như việc Thái Lan tập trung cho xe bán tải 1 tấn hay Indonesia đối với dòng xe MPV. Đây được xem là điểm nhấn trong dự thảo quy hoạch lần này mà theo đó là chọn dòng xe chiến lược chứ không chọn nhà sản xuất chiến lược. Ông Phạm Văn Tài – PTGĐ Thaco cho biết rất ủng hộ phát triển dòng xe chiến lược vì sẽ tạo ra sản lượng lớn, giá rẻ do giảm thuế, được ưu đãi thuế khi đáp ứng được các điều kiện sản xuất dòng xe này. Nguyên lý của nội địa hóa là đủ sản lượng mới đầu tư như Thaco đã đi từng bước một để có các nhà máy như hôm nay. Nếu tăng nội địa hóa thì giảm nhập khẩu, làm ra được dòng xe chiến lược thì không chỉ giúp người tiêu dùng mua xe giá rẻ mà còn thúc đẩy trình độ, năng lực của các kỹ sư ôtô.

Tuy nhiên, điều này có phù hợp hay không, có nhận được sự ủng hộ của các liên doanh hay không thì vẫn là câu hỏi. Bản thân Vama cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đó là chưa tính đến việc, mục tiêu đặt ra là sản xuất và tiêu thụ được một lượng xe lớn, trong khi chúng ta lại có một số chủ trương hạn chế sử dụng xe cá nhân. Đó là sự mâu thuẫn và trước hết muốn làm được điều đó thì phải có sự thống nhất cao về quan điểm chung giữa các bộ , ngành, nhất là giữa Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải. Một vấn đề khác là nếu việc xác định dòng xe chủ lực là cần thiết cho phát triển công nghiệp ôtô trong gai đoạn tới thì khi nào làm, ai làm, ưu đãi cái gì?… Những ưu đãi, khuyến khích đó có mâu thuẫn với những quy định, luật lệ trong quá trình hội nhập tới đây hay không?… Bản thân người đại diện cho Vama, ông Jesus Metelo Arias – TGĐ Ford VN cho rằng: Khi tôi tham khảo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô thì thấy là tập trung nhiều vào thị trường trong nước mà chưa chú ý tới thị trường trong khu vực. Có thể mở rộng sân chơi của VN, VN dường như đang muốn mở rộng dòng xe nhỏ và xác định đây là hướng đi của mình. Trước VN đã có Thái Lan và Indonesia đang cạnh tranh sản xuất dòng xe này, nếu VN cũng đi theo hướng này thì sẽ phải cạnh tranh lớn. Quan điểm của chúng tôi là không nên giới hạn dòng xe nào mà để tự DN quyết định trên cơ sở điều tiết của thị trường. Một yếu tố căn cơ nữa là ViN nên có chính sách hỗ trợ và chính sách thuế thấp hoặc bằng các nước trong khu vực. Tại sao hiện chi phí sản xuất của VN hiện cao hơn 20% so với các nước khác? Cần tìm cách để đưa chi phí sản xuất xuống thấp hơn – ông Jesus Metelo Arias nhấn mạnh.

Nguyên Bảo

(DĐDN) –