Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hà Nội muốn có ‘siêu’ công ty riêng

Hà Nội muốn có ‘siêu’ công ty riêng

Đề nghị lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố đã được Hà Nội gửi lên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

.

Trong văn bản mới đây về tình hình đổi mới và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố đang xây dựng đề án thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trực thuộc.

Hiện việc triển khai thành lập cơ quan “mua bán vốn” cho doanh nghiệp thủ đô mới ở những bước đầu, Trước mắt, Sở Tài chính sẽ trình Chủ tịch UBND thành phố Quyết định thành lập Ban chuẩn bị đề án thành lập Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Tại buổi họp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tuần trước đó, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thành lập công ty chuyên trách này và sẽ do UBND Hà Nội quản lý.

Hà Nội đang đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà
Hà Nội đang đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà

Theo UBND Hà Nội, việc lập Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc sẽ giúp thành phố đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn đã có 9 doanh nghiệp xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó 5 đề án đã thẩm định trình phê duyệt.

Tuy nhiên, số lượng này chỉ là phần nhỏ trong tổng số 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp mà thành phố phải tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Trong đó, cổ phần hoá 16 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, 14 doanh nghiệp còn lại sẽ sắp xếp theo hình thức khác.

Giai đoạn đầu, thành phố sẽ sáp nhập 5 Xí nghiệp môi trường đô thị các huyện vào Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội. Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội cũng sẽ được tái cơ cấu theo hướng đảm bảo việc quản lý quỹ nhà. Với Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thanh, truyền hình Hà Nội, thành phố sẽ tổ chức Đại hội cổ đông để bàn việc tái cơ cấu nhân sự.

Hiện nay, cả nước mới có một Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng nhằm thực hiện quá trình cải cách doanh nghiệp và tái cơ cấu kinh tế. Như một “siêu” tổng công ty, SCIC quản lý và đại diện vốn ở hàng trăm doanh nghiệp, với giá trị danh mục đầu tư tính đến hết năm 2012 lên tới 50.000 tỷ đồng theo giá thị trường.

Hoạt động của doanh nghiệp đặc thù này gần đây cũng gây chú ý lớn khi mà các doanh nghiệp đang đói vốn sản xuất thì SCIC được cho là mang gửi ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng. Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tài chính – cơ quan trực tiếp quản lý cho biết đang yêu cầu SCIC giải trình để làm rõ trước công luận, song vị này cũng lý giải nếu SCIC dùng tiền từ quỹ Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp để gửi ngân hàng thì không sai vì phù hợp với chức năng hoạt động của Tổng công ty.

Theo Huyền Thư – Vnexpress.net