Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết

Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết

Ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc; Hiệp định thương mại biên giới với Lào; Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu… là những sự kiện nổi bật trong ngành Công Thương trong năm 2015 vừa qua.

Năm 2015 được xem là năm khá thành công của ngành Công Thương, khi thực hiện ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, năm qua cũng được xem là năm để lại nhiều ấn tượng trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và cổ phần hóa các Tổng công ty và công ty thuộc ngành Công Thương.

Ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc; Ký Hiệp định thương mại biên giới với Lào; Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu

Ngày 5/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) tại Hà Nội. Sau khi Hiệp định được ký kết, hai Bên đã khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước. Ngày 16/12/2015, Bộ Ngoại giao hai nước đã trao đổi công hàm về ngày hiệu lực của Hiệp định VKFTA, theo đó thống nhất Hiệp định VKFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12/2015.

Ngày 29 tháng 5 năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các nước thành viên (Việt Nam – EAEU FTA) đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ban Thường trực và Thủ tướng các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu ký kết ở cấp Nhà nước tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhtan.

Chiều ngày 27/6, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra Lễ ký Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào. Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào gồm 23 Điều, là cơ sở pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.

Kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

Sau cuộc họp thâu đêm và nhiều lần trì hoãn công bố kết quả, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức kết thúc đàm phán vào khoảng 18h ngày 5/10 (giờ Việt Nam).

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp Nhà nước.

TPP là hiệp định đàm phán giữa 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam và chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Như vậy, khi được ký kết chính thức, đây là Hiệp định thương mại lớn nhất hành tinh trong vòng 20 năm qua.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất so với mức tăng trong 5 năm 2011-2015

Năm 2015, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ của các năm gần đây, tăng 2 điểm % so với kết hoạch (7,8%).

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cường cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng so với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.

Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt những kết quả khả quan so với năm 2014. Chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 đac có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho tại thời điểm các tháng trong năm duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ (ở mức 9,5%).

Lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bir Seba – lô 433A & 416B ở Algeria

Tối 11/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã tổ chức Lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bir Seba – lô 433A & 416B, Algeria sau 12 năm triển khai dự án.

Dự án được đánh giá có tổng trữ lượng khoảng 1 tỷ thùng dầu. Giai đoạn 1 sẽ cho sản lượng khai thác 20.000 thùng dầu/ngày từ 13 giếng khoan. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành vào năm 2019, nâng tổng công suất của dự án lên mức 40.000 thùng dầu/ngày.

Trong giai đoạn vận hành thử thời gian qua, dự án đã tiến hành khai thác được 4 giếng: BRS-6, BRS-9, BRS12, BRS14 thuộc trạm thu gom dầu số 1. Dự kiến PVEP sẽ xuất bán chuyến dầu đầu tiên vào ngày 24/12 với khối lượng 230.000 thùng.

Tăng cường tính công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu

Năm 2015 được xem là năm đầu tiên thực hiện thành công Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, qua đó đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Sau khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Công Thương đã cung cấp công khai, đầy đủ thông tin về việc điều hành kinh doanh xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh thông qua Chuyên trang Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ http://minhbach.moit.gov.vn/.

Cơ bản kết thúc cổ phần hoá các Tổng công ty, Công ty thuộc ngành Công Thương

Sáng ngày 24/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch 2016 -2020.

Theo báo cáo tại Hội nghị, đối với kế hoạch sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, tính đến tháng 12 năm 2015, Bộ đã hoàn thành công tác sắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã giải quyết chế độ, chính sách lao động dôi dư cho hơn 300 lao động ở các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc Bộ. Đồng thời, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động với số lượng khoảng trên 3,96 triệu cổ phần và số cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn khoảng trên 73.000 cổ phần.

Yến Nhi