Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hệ thống ngân hàng vẫn chênh vênh vì nợ xấu

Hệ thống ngân hàng vẫn chênh vênh vì nợ xấu

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đưa ra kịp thời đã tránh được nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng yếu kém. Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xử lý được một phần nợ xấu, nhưng nếu không có biện pháp tiếp theo sẽ rất khó xử lý được nhanh nợ xấu.


Ngân hàng tránh được đổ vỡ nhưng còn “chênh vênh”

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đưa ra kịp thời nên đã tránh được nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng yếu kém. Sau hai năm tái cơ cấu, hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt nền tảng vững chắc, khi giảm 7 tổ chức tín dụng yếu kém.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được tổng số nợ xấu khoảng hơn 33.000 tỷ đồng, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro

Đối với việc bán nợ cho Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC), tính đến cuối tháng 7/2014, VAMC đã mua được gần 54 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến VAMC sẽ tiếp tục mua tới hết 2014, với khoảng 70-100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Nhận định về việc triển khai việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua của các ngân hàng, PGS-TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực. Thể hiện rõ nhất là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Việt Nam được Moody’s nâng hạng tín nhiệm lên mức B1. Bên cạnh đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước được xếp thứ 2 về cải cách thủ tục hành chính.

Tại một cuộc hội thảo diễn ra cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đưa ra nhận định, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đưa ra kịp thời nên đã tránh được nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng yếu kém. Sau 2 năm tái cơ cấu, hệ thống các TCTD đã đạt nền tảng vững chắc, khi giảm 7 TCTD yếu kém.

Đồng quan điểm trên, theo TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đến nay, hệ thống ngân hàng đã ổn định bước đầu, tránh sự đổ vỡ hệ thống, mặc dù một số ngân hàng yếu kém, chênh vênh chưa hẳn đã hết (Ví dụ như câu chuyện của Ngân hàng Xây dựng vừa rồi đã cho thấy điều đó).

“Chúng ta cũng đạt được hai tham vọng là kinh tế vĩ mô ổn định và đạt được kết quả trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”, TS. Võ Trí Thành nói.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Nợ xấu gia tăng, giải pháp nào?

Dù vấn đề nợ xấu đang được toàn hệ thống ngân hàng tích cực xử lý, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2014 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng so với cuối năm 2013. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ trên 3%-trên 5%.
 

Một trong những ngân hàng đang có nợ xấu dẫn đầu là PvcomBank, với tỷ lệ 5,2%; NCB 4,8%, Ocean Bank 4,06%, ACB 3,65%, Vietcombank là 3,09%….

Ngoài nguyên nhân nợ xấu gia tăng do nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và quy định chặt chẽ về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu nhằm đảm bảo quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ không bị lạm dụng, còn những nguyên nhân khác được các chuyên gia kinh tế nêu ra.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nợ xấu tăng trở lại có nguyên nhân từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó tiến độ triển khai tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chậm. “Tái cơ cấu ngân hàng không thể tách rời với quá trình tái cơ cấu DNNN và đầu tư công để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản…”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã từng khẳng định, VAMC không phải là “đũa thần”. Và một lần nữa các chuyên gia kinh tế đều đồng tình, VAMC khó có thể giải quyết được tất cả. Hiện NHNN đã xử lý được một phần nợ xấu, nhưng nếu không có biện pháp tiếp theo thì rất khó xử lý được nhanh nợ xấu.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nợ xấu không của riêng ngành ngân hàng mà liên quan tới nhiều bộ, ngành khác. Vì vậy, giải pháp được đưa ra đối với xử lý nợ xấu là phải sửa Luật Kinh doanh Bất động sản đang được Quốc hội thảo luận, đồng thời cũng phải sửa Luật Dân sự để khai thông bế tắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó là phải tăng năng lực cho VAMC, vì vốn điều lệ của công ty này chỉ có 500 tỷ đồng thì rất khó giải quyết được hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu. Vấn đề trình tự thủ tục trong việc phát triển thị trường mua bán nợ cũng phải đẩy nhanh hơn.

Cũng theo TS.Trần Du Lịch, tính toán ra, để giải quyết dứt điểm nợ xấu bắt buộc cần một lượng tiền tươi thóc thật từ bên ngoài bơm vào, khoảng vài chục phần trăm GDP. Song, ngân sách thâm hụt lớn đã tạo ra sự hạn chế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng chia sẻ, chi phí xử lý nợ xấu không phải nhỏ. Ví dụ ở Thái Lan, khoản này từng chiếm 30% GDP, trong khi chi phí để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam vào cuối những năm 1990, đầu năm 2000 là 5% GDP.

“Chi phí này vẫn là câu hỏi lớn với sự dây dưa và xử lý lâu dài nợ xấu”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có ý kiến cho rằng, sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu sẽ không công bằng, mà nếu có tạo dựng được thị trường mua bán nợ thì trong bối cảnh hiện nay cũng chưa xác định rõ được đối tượng khách hàng có tiền để mua. Nhưng nếu để ngân hàng và doanh nghiệp cùng gánh chịu nợ xấu thì có thể chấp nhận được.

“Vì vậy, chúng ta nên chọn giải pháp là mỗi bên liên quan phải chịu “mất mát” một ít để kích hoạt thị trường mua bán nợ. Đồng thời, chính sách phải cải thiện được môi trường kinh doanh để qua đó giải quyết bền vững được nợ xấu. Đặc biệt, cần cơ quan điều phối chung, có quyền lực để đưa vào quản trị ngân hàng, doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu và xử lý nợ xấu” – ông Sơn nói.

Đinh Bách