Go to Top
Trang chủ > Tin tức > IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,25%

IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,25%

Theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, con số này được đưa ra vì IMF đánh giá rất cao sự ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong 2-3 năm qua.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ phải đối mặt với 4 vấn đề lớn là: kinh tế trì trệ; thị trường tài chính biến động; giá dầu giảm và hai khu vực kinh tế lớn như Eurozone và Nhật Bản đang trong tình trạng giảm phát. Vậy những biến động kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh đã có cuộc trao đổi với Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ thế giới – IMF tại Việt Nam về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Thưa ông Kalra, với tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong năm 2015?

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam: Việc kinh tế toàn cầu trì trệ sẽ gây khó khăn cho Việt Nam về vấn đề xuất khẩu, bởi rõ ràng sức cầu sẽ giảm đi phần nào. Thêm vào đó, khi các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Eurozone có những chính sách tiền tệ khác nhau, sẽ đảo lộn dòng chảy của các đồng tiền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang những nền kinh tế này. Tuy nhiên, việc giá dầu đang trên đà giảm lại có lợi rất lớn đối với Việt Nam như đẩy mạnh tiêu dùng và tăng đầu tư. Tích cực có, tiêu cực có, nên ảnh hưởng toàn diện lên nền kinh tế Việt Nam đi theo chiều nào sẽ phụ thuộc vào quy mô của từng biến động toàn cầu.

Vậy dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là như thế nào. Và IMF đã dựa trên những cơ sở nào để đưa ra dự báo này?

Ông Sanjay Kalra: Chúng tôi dự đoán năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6 – 6,25%, phụ thuộc vào giá dầu. Con số này được đưa ra vì chúng tôi đánh giá rất cao sự ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong 2-3 năm qua và kỳ vọng sự cải cách cơ cấu sẽ theo đà tích cực lan rộng ra nhiều lĩnh vực hơn nữa.

Hiện nay, khi những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Eurozone hay thậm chí là Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, thì những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tỷ suất lợi tức cao hơn hẳn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư và tổ chức tài chính lớn đã gõ cửa IMF để tìm hiểu về những tiềm năng của thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam đang đầy hứa hẹn với sự tự tin tăng mạnh của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường này.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.

Nguồn: vtv.vn