Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Khánh thành Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà

Khánh thành Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà

Sáng 24/9, tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã diễn ra Lễ khánh thành Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà với 2 tổ máy và tổng công suất lắp máy là 21Mw, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quốc tế (ICT) làm Chủ đầu tư.  

Công trình Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà thuộc địa phận xã Tân Dương và xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Tổng mức đầu tư ban đầu cho công trình này là 823 tỷ đồng, và được thi công theo hình thức tổng thầu EPC bởi nhà thầu Công ty hữu hạn Viện nghiên cứu Thiết kế Điện lực Quảng Tây – Tập đoàn xây dựng Năng nguyên – Trung Quốc. Hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 89,07 triệu Kwh.

Công trình là bậc thang thứ 4 trên dòng Sông Chảy trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Lào Cai, được Bộ Công Thương phê duyệt tại văn bản số 2661/BCT-NL ngày 28/3/2011, được Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực số 125/GP-ĐTĐL, ngày 19/9/2016.

Ông Đoàn Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Công ty ICT – Chủ đầu tư công trình thủy điện ICT Vĩnh Hà cho biết, đây là công trình thủy điện cột nước thấp thứ 2 tại miền Bắc Việt Nam sau Nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang do Công ty ICT đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ tuabin chảy thẳng kiểu bóng đèn. Công nghệ này hiện nay đang được sử dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Với công nghệ tuabin chảy thẳng kiểu bóng đèn, sẽ tận dụng được tối đa tiềm năng phát điện của hệ thống sông suối Việt Nam do tận dụng được cột nước phát điện rất thấp (nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà cột nước phát điện thấp nhất là: 5,0m và cột nước tính toán là: 12,0m). Hơn nữa do đặc trưng là cột nước thấp, nên gần như vẫn giữ nguyên dòng chảy tự nhiên và diện tích bị ngập lụt, việc di dân, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng môi trường là rất ít.

Nhiệm vụ chủ yếu của Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà là phát điện cung cấp điện cho lưới điện Quốc Gia Việt Nam, từ đó có thể cấp điện dùng cho công tác phát triển công nghiệp của tỉnh Lào Cai.

Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động ổn định, thủy điện ICT Vĩnh Hà mỗi năm sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương khoảng 18,5 tỷ đồng.

“Công trình có kiến trúc đẹp, mang biểu trưng văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc như cây khèn và con cọn nước cùng với cảnh quan thân thiện với môi trường xung quanh khu vực nhà máy. Hy vọng Công trình thủy điện ICT Vĩnh Hà ngoài công năng thủy lợi, thủy điện sẽ dần trở thành một địa điểm văn hóa du lịch của vùng Bảo Yên-Lào cai” ông Tuấn cho biết.

Công trình đã hoàn thành đúng tiến độ với tổng thời gian thi công xây lắp là: 40 tháng.

Thu Hằng