Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kiếm tiền và dùng tiền đều… khó

Kiếm tiền và dùng tiền đều… khó

Vấn đề quan trọng nhất không phải là bạn chi ra bao nhiêu, mà là chi như thế nào cho hiệu quả nhất.
.

Ảnh minh họa

Tôi có một người bạn buôn bán bất động sản. Bắt đầu từ việc mua những miếng đất dưới 100 m2 xây nhà rồi bán. Và, Mua đất – xây nhà – bán nhà, rồi lại mua đất… quy trình ấy được lặp lại nhiều lần. Khi thị trường bất động sản sôi động, cộng thêm chút may mắn, từ khi vốn chỉ đủ mua miếng đất vài chục m2, cô ấy có thể mua miếng đất vài trăm m2. Cũng đã có nhiều thay đổi đi kèm: từ khi còn cưỡi Honda Cup 81 đời chót, đến lúc đi lại bằng “mẹc” và giờ là… Honda Lead.

Nhưng có một điều không thay đổi: trên cổ cô luôn có một dây chuyền vàng rất to. Mười ngón tay thì 8 ngón đeo nhẫn, cái nào cũng như muốn “tranh” ngôi to nhất, lấp lánh nhất. Một lần, không kìm nổi, tôi hỏi: Cậu có cần phải đeo nhiều nữ trang một cách thiếu thẩm mỹ thế không? Thay vì trả lời, cô ấy hỏi lại: “Cậu đi vay tiền với tay không thì có ai dám cho vay không?”.

Lợi nhuận sụt giảm, hoạt động kinh doanh khó khăn đã khiến nhiều NHTM cắt giảm chi phí. Một số ngân hàng chuyển điểm giao dịch về những con phố nhỏ hơn, mặt bằng bé hơn. Thậm chí có ngân hàng mở điểm giao dịch trong con ngõ nhỏ, là một căn nhà giữa khu dân cư… nhìn đã không thấy thiện cảm. Giảm chi phí là cần thiết, nhưng việc giảm bằng cách này thì lợi bất cập hại. Vì với bề ngoài như thế, có mấy người dám vào gửi những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt của mình?

Cũng có ý kiến cho rằng, “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu ngân hàng đó làm ăn có uy tín, có thương hiệu thì khách hàng ắt tìm đến. Thế nhưng, trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh, thời cơ là quan trọng mà ngồi chờ khách hàng tìm đến, thì e rằng sẽ mất cơ hội. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều có những “phố ngân hàng”, những khu trung tâm thương mại mà DN chỉ cần đặt cửa hàng, điểm giao dịch ở đó, đã là một sự khẳng định cho tên tuổi, thương hiệu của mình.

Một khoản chi khác bị các NHTM cắt giảm nhiều trong hai năm gần đây là chi phí tiếp thị, quảng cáo. Nhân viên phòng Thương hiệu và Quan hệ công chúng của một NHTMCP than: Năm nay sếp cắt giảm đến 60% chi phí hoạt động cho phòng em. Không có việc để làm đã đành, tiếc là một số chương trình PR đang chạy dở phải dừng, phí bao công sức của bọn em…

Việc cắt giảm chi phí là cần thiết, nhưng nếu cắt giảm mạnh như vậy thì xem ra ngân hàng này đang làm ngược. Vì một trong những mục tiêu của việc đầu tư cho tiếp thị, quảng cáo là hướng đến một mức doanh thu, lợi nhuận lớn hơn trong tương lai. Các DN, dù lớn hay nhỏ, tùy vào lĩnh vực kinh doanh, đều xác định phải dành một tỷ lệ nhất định, tính theo doanh thu cho hoạt động marketing. Tất nhiên vấn đề quan trọng nhất không phải là bạn chi ra bao nhiêu, mà là chi như thế nào cho hiệu quả nhất.

BIDV vừa công bố chọn Ogilvy&Mather Việt Nam – một công ty thuộc tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới WPP, làm đối tác tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển Thương hiệu BIDV đến năm 2020.

Đối với dự án này, BIDV sẽ rà soát đánh giá tổng thể hiện trạng hình ảnh thương hiệu, hoạt động truyền thông quảng cáo thương hiệu; xây dựng, chuẩn hóa nhận diện hình ảnh thương hiệu BIDV và hệ thống các giá trị thương hiệu; xây dựng chiến lược marketing và truyền thông thương hiệu, sản phẩm dịch vụ BIDV đến năm 2020…

Chi phí cho dự án cũng như giá trị hợp đồng BIDV ký với Ogilvy&Mather Việt Nam không được tiết lộ. Nhưng để thực hiện tất cả những công việc trên, ắt hẳn BIDV sẽ phải chi một khoản không nhỏ. Điều gì khiến họ quyết định như vậy trong bối cảnh môi trường kinh doanh của ngành Ngân hàng nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn.

Câu trả lời, có lẽ nằm ở lời phát biểu của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT: Thương hiệu BIDV là một tài sản có giá trị, cần có chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Ogilvy&Mather sẽ giúp tạo bước tiến toàn diện và bền vững cho thương hiệu, hỗ trợ trực tiếp quá trình tái cơ cấu, đưa BIDV thành NHTMCP mạnh trong khu vực…

Trước BIDV, ba ngân hàng khác là VPBank, HD Bank, Indovina Bank đã chi ra khoản không nhỏ cho Ogilvy&Mather. Họ đã thu được gì sau khoản chi đó? Những gì người ta nói, nhận biết về thương hiệu của các ngân hàng này trên thị trường hiện nay chính là câu trả lời. PR vốn không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng, nhưng những giá trị, lợi ích không phải là tiền mà hoạt động đó mang lại chính là yếu tố quan trọng để ngân hàng tồn tại và phát triển trong tương lai.