Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế 2016 tiếp tục phục hồi chậm

Kinh tế 2016 tiếp tục phục hồi chậm

(HQ Online)- Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2016” do Câu lạc bộ CEO tổ chức tại TP.HCM ngày 11-11.

Theo các chuyên gia, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cần thiết trong việc hỗ trợ DN hội nhập. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhận định về kinh tế 2016, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ không có nhiều thay đổi hơn so với năm 2015. Nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi chậm nhưng chưa có sự thay đổi về cách thức tăng trưởng, tính phục hồi chưa vững chắc. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố bên ngoài, rủi ro đối với ổn định tế vĩ mô vẫn còn cao cả trong nước và ngoài nước, nhất là ngân sách và nợ công.

Lãi suất cho vay tiếp tục ở mức cao so với sức chịu đựng và “sức khỏe” của DN, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng giảm. Kì vọng về các Hiệp định thương mại tự do vẫn cao, FDI và vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào Việt Nam để đón các cơ hội đầu tư và thương mại.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Cung, năm 2016 sẽ có một số cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng tốc độ và quy mô có thể còn xa mới đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, tư duy và cách thức quản lí vẫn thiên về quản, kiểm hơn là thúc đẩy và hỗ trợ; cơ chế xin cho vẫn tiếp tục chi phối.

Cùng với đó, tuy quyền kinh doanh mở rộng hơn nhưng các rủi ro thể chế, chi phí tuân thủ pháp luật đối với kinh doanh về cơ bản vẫn không thay đổi, nguy cơ tận thu vẫn lớn. Cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước nhất là cổ phần hóa và thoái vốn có bước tiến về chất tại cơ hội cho khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kinh tế năm 2016 nói chung  hoạt động ngân hàng nói riêng sẽ có tiền đề tích cực nhờ các kết quả đã đạt được trong năm 2015 mang lại như sự ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng đã có những kết quả tích cực. Kinh tế đã và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô thương mại, đầu tư của Việt Nam có sự gắn bó chặt chẽ với thế giới do đó khó tránh được các tác động từ bên ngoài. Bên cạnh đó là những khó khăn từ nội tại, vốn của các DN vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Đây là thách thức lớn trong việc cân đối giữa việc đảm bảo vốn cho DN và hoạt động an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, ông  Hirotaka Yasuzumi cho biết, kết quả khảo sát các DN Nhật Bản do JETRO thực hiện cuối năm 2014 cho thấy môi trưởng đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện, thể hiện qua sự đánh giá các tiêu chí rủi ro trong hoạt động đầu tư của Việt Nam trong năm 2014 đã giảm từ 7,2% đến 14% so với năm trước đó.

Có được điều này theo ông Hirotaka Yasuzumi là nhờ việc áp dụng Luật Đầu tư mới và việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) vào lĩnh vực hải quan.

Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư qua việc cắt giảm chi phí hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan. Bên cạnh đó cần thúc đẩy đầu tư vào các ngành có lợi thế trong TPP như xơ sợi, các ngành sử dụng nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như ô tô, xe máy và các ngành đáp ứng đầu vào cho nhiều ngành sản xuất như hóa dầu, sắt thép và các kim loại khác.

Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn đang trong tình hình khó khăn, mới chỉ có khoảng 30% DN vay được vốn từ ngân hàng, 70% DN có công nghệ máy móc thiết bị lạc hậu. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường công tác hỗ trợ DN qua việc áp dụng chính sách cho vay với lãi suất thấp, phát triển công nghiệp hỗ trợ .

“Việt Nam đang có cơ hội khi môi trường doanh tại một số nước trong khu vực đang suy giảm, tuy nhiên để tận dụng được các lợi thế này cũng như các lợi thế từ TPP thì việc triển khai các chương trình hoạt động của DN với tầm nhìn dài hạn và việc cải cách, thực thi các chính sách công nghiệp có tính chất hỗ trợ DN có vai trò rất quan trọng”, ông Hirotaka Yasuzumi nhấn mạnh./.

Nguyễn Huế