Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng không đều

Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng không đều

Các nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đều giảm sút tăng trưởng. Philippines tiếp tục là điểm sáng kinh tế.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiến hành tăng lãi suất vào cuối năm nay và nhu cầu nội địa tại phần lớn các khu vực của châu Á đang đình trệ, giới phân tích dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ không thể đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm 2015.

Hoạt động xuất khẩu khiêm tốn củacác quốc gia châu Á trong thời gian từ tháng 1-4/2015 của các quốc gia châu Á cho thấy hoạt động này đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực trong quý II/2015. Theo nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank (Đức), kể cả khi nhu cầu tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khởi sắc trong nửa cuối năm nay, những tác động của nó đối với hoạt động xuất khẩu của châu Á cũng không khả quan, do các nhà xuất khẩu của khu vực này không có quyền định giá thị trường, trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp.

Nguyên nhân một phần do xuất khẩu châu Á đang ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu tại những thị trường mới nổi (trong đó có Trung Quốc) và hiện nay nhu cầu này đang yếu đi.

Du lịch Thái Lan tiếp tục thu hút khách quốc tế, tuy nhiên vẫn không bù đắp được tình hình nền kinh tế ảm đạm

Philippines đạt nhịp độ tăng trưởng cao

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Philippines sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và năm tới. Lòng tin tiêu dùng tích cực, giá dầu giảm và thu nhập tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong năm 2015, trong khi hoạt động chi tiền liên quan đến bầu cử cũng có những tác động thúc đẩy nhất định đến nền kinh tế trong năm 2016. Mục tiêu chính thức của Philippines cho năm nay là tăng 7-8%. Kinh tế Philippines tăng trưởng 6,1% trong năm ngoái.

Kiều hối Philippines trong tháng 4/2015 đạt 2,015 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng kiều hối về Phillipines đạt 7,807 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng kinh tế Singapore thấp hơn dự kiến

Kết quả cuộc khảo sát hàng quý do Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (Ngân hàng Trung ương) cho thấy dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore trong năm nay  chỉ đạt 2,7%, giảm nhẹ so với dự báo trước đó là 2,8%. Triển vọng GDP của Singapore sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2016.

GDP của Singapore trong quý II/2015 có thể tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm so với mức dự báo 2,9% của khảo sát trước đó.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã cảnh báo về “những bất ổn lớn và nguy cơ sa sút” đối với triển vọng của các thị trường bên ngoài, trong đó có nguy cơ điều chỉnh mạnh tại thị trường bất động sản Trung Quốc và tương lai bấp bênh của Hy Lạp tại Khu vực đồng euro.

Tỷ lệ lạm phát lõi (không tính những biến động về giá nhà ở và xe hơi) tại Singapore dự báo ở mức 1% trong năm 2015.

Trong khi đó, báo cáo của cơ quan thuộc Bộ Lao động Singapore cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2015 chỉ giảm nhẹ xuống 1,8%, so với mức 1,9% của quý trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tính chung đối với những người sinh sống tại Singapore đã giảm xuống 2,5% trong quý I/2015, so với mức 2,7% của quý IV/2014.

Kinh tế Indonesia tăng trưởng yếu

Thặng dư thương mại của Indonesia trong tháng 5/2015 đã tăng lên 950 triệu USD, cao hơn con số 450 triệu USD trong tháng 4/2015, nhờ nhập khẩu của nước này giảm mạnh. Đây là cũng là tháng thứ sáu liên tiếp Indonesia đạt thặng dư thương mại và số liệu này cao gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế.

Mức giảm nhập khẩu của Indonesia là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế yếu kém của nước này. Trong lúc xuất khẩu của Indonesia trong tháng 5/2015 giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2014, xuống còn 12,56 tỷ USD.

Nền kinh tế Indonesai đã giảm tốc trong thời gian gần đây, khi giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nước này “tuột dốc” và nhu cầu giảm tại thị trường Trung Quốc.

Kinh tế Indonesia trong quý I/2015 chỉ tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong khoảng 6 năm qua, và thấp hơn mức mục tiêu tăng 5,7% mà chính phủ nước này đề ra cho năm nay.

Malaysia giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong quý 1/2015 đạt 5,6%. Hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng trung ương Malaysia dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 4,5-5,5% trong cả năm 2015.

GDP của Malaysia từ năm 1999 tới 2014 tăng trung bình 5,5%. Theo Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Malaysia Datuk Seri Abdul Wahid Omar, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 6,7%/năm từ 13.581 ringgit năm 1999 lên 35.333 ringgit năm 2014. Tăng trưởng thu nhập của các hộ gia đình Malaysia vẫn được duy trì trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thách thức.

Kinh tế Thái Lan chưa có dấu hiệu hồi phục

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý 1/2015 chỉ tăng 0,3% so với quý 4/2014. Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan đã quyết định điều chỉnh hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2015 từ mức 3,5-4,5% đưa ra trước đó xuống còn 3-4%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới  dự đoán con số này xấp xỉ mức 3,5%.

Năm 2014, kinh tế Thái Lan tăng trưởng thấp, ở mức 0,7%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Đầu tư của chính phủ và doanh thu du lịch tăng vẫn không bù đắp nổi tình trạng xuất khẩu suy giảm và nhu cầu nội địa yếu. Thái Lan hiện vẫn đang là một trong những nước nợ nần nhiều nhất khu vực Đông Nam Á./.

Nguồn: toquoc.gov.vn