Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế khó khăn, hàng xa xỉ nhập khẩu tăng vọt

Kinh tế khó khăn, hàng xa xỉ nhập khẩu tăng vọt

Ô tô nguyên chiếc, điện thoại di động, đá quý… là những mặt hàng có mức tăng vọt kim ngạch nhập khẩu thời gian qua.
.

Số liệu cập nhật từ Bộ Công thương tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2013 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2013 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012.






Dù hạn chế nhưng nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động vẫn không ngừng tăng

Trong nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, nhập khẩu mặt hàng đá quý và kim loại quý cũng tăng mạnh, tương đương 40,2%; linh kiện, phụ tùng ô tô ước đạt 871 triệu USD, tăng 0,3%; chỉ duy nhất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng xe gắn máy giảm 22,4%, đạt 257 triệu USD.

Dù nỗ lực nhưng nhập khẩu một số mặt hàng cần hạn chế như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, điện thoại di động… vẫn không ngừng tăng trong tháng 7.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (trừ xe 9 chỗ) tăng 31,5%, xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ 7 tháng ước đạt 102 triệu USD, tăng 16,5% do lượng xe nhập khẩu tăng 21,4% so với cùng kỳ; điện thoại di động nhập khẩu tăng 30,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế tăng khiến con số nhập siêu trong tháng 7 vẫn đạt khoảng 733 triệu USD, bằng 1% kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, xuất siêu trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ, khoảng 200 triệu USD cho thấy kinh tế trong nước tuy có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Đánh giá chung về tình hình xuất nhập khẩu tháng 7 và 7 tháng đầu năm Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhìn nhận, trong khi khối DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 6,91 tỷ USD (tính cả dầu thô), thì khối DN 100% vốn trong nước nhập siêu 7,65 tỷ USD.

“Kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước tăng 1,6% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 5,2% tuy không cao nhưng cho thấy nỗ lực của các DN trong nước, là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế cho thấy sản xuất, xuất khẩu bắt đầu phục hồi”- người phát ngôn Bộ Công thương đánh giá.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương tỏ ra lạc quan về kim ngạch xuất nhập khẩu nửa cuối  năm 2013, bởi nếu xét theo yếu tố chu kỳ thì xuất khẩu các tháng cuối năm luôn cao hơn những tháng đầu năm.
Bộ này đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ở mức 128 tỷ USD tăng khoảng 2 tỷ USD so với kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó kim ngạch nhập khẩu năm 2013 dự kiến ở mức 133 tỷ USD. Khả năng nhập siêu sẽ cán đích ở mức 5 tỷ USD, bằng 3,9% kim ngạch xuất khẩu.

Thông tin thêm về chỉ số tồn kho, Thứ trưởng Thoa cho biết, tại thời điểm 1/7/2013, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2012. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước gồm: sản xuất đồ uống tăng 33,3%; sản xuất thuốc lá tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 20,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,1%…

Trước lo ngại chỉ số hàng tồn kho giảm là do doanh nghiệp thời gian qua giảm sức sản xuất, thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa giải thích, mặc dù chỉ số hàng tồn kho có tăng ở mức 8,8% nhưng xét tương quan với sức tiêu thụ hàng hóa trong nước thì chỉ số tiêu thụ lại có phần “nhỉnh” hơn khi tháng 6 tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Người phát ngôn Bộ Công thương dẫn số liệu một số ngành cụ thể: sản xuất sợi tăng 14%, sản xuất vải dệt thoi tăng 19,7% ,sản xuất giày dép tăng 27,6%….

“Tình hình chung tiêu thụ có tăng, sức mua có tăng lên, kể cả xuất khẩu tăng lên thì thấy chỉ số hàng tồn kho giảm đi” – Thứ trưởng Thoa lý giải.

Cũng theo đánh giá của Bộ Thông thương, những tháng gần đây tình hình nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào có diễn biến tích cực, là tín hiệu tốt cho việc khôi phục tăng trưởng một số ngành công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu trong nước và thế giới còn thấp thì vẫn phải chú ý giải quyết vấn đề hàng tồn kho.