Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế tháng 5: Thử thách sức chịu đựng

Kinh tế tháng 5: Thử thách sức chịu đựng

Kinh tế tháng 5: Thử thách sức chịu đựng

Cái nóng gay gắt đầu hè chưa thể hâm nóng lại các hoạt động kinh tế trong nước. Cải thiện trong tiêu dùng vẫn còn có độ trễ so với sự khởi sắc của sản xuất, ảnh hưởng đến đà hồi phục vốn còn mong manh.

Lạm phát tháng 5 tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó nhóm ngoài lõi (bao gồm lương thực, thực phẩm và giao thông) và nhóm lõi (không bao gồm những hàng hóa trên) tăng với cùng tốc độ. Lạm phát lõi theo năm liên tục giảm, cho thấy sức ép về tổng cầu vẫn còn và chính sách tiền tệ không có dấu hiệu thay đổi. Chỉ số giá thực phẩm và xăng dầu tăng nhanh hơn tháng trước, báo hiệu vấn đề đang nằm ở phía cung, bên cạnh hai hàng hóa thiết yếu khác là điện và nước cũng tăng trong tháng.

Hai chỉ báo lạm phát lõi và ngoài lõi đi ngược chiều cho thấy lạm phát sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ nhóm ngoài lõi trong nửa cuối năm nay. Lạm phát lõi được dự báo sẽ tăng nhẹ 0,05% trong tháng 6 trước khi tăng tốc vào nửa sau của năm theo yếu tố mùa vụ. Do vậy, lạm phát cuối năm có thể ổn định quanh mức 4,7-4,9%. Tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng với cải thiện về việc làm và thu nhập sẽ kéo lạm phát thêm khoảng 0,5-0,6 điểm phần trăm.

Trong tháng 5, sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 2% so với tháng 4, dù số liệu điều chỉnh mùa vụ cho thấy tháng 5 có mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và thấp hơn mức tiềm năng.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,5 trong tháng 5, giảm nhẹ so với mức 53,1 của tháng 4. Sản lượng và đơn hàng mới vẫn phản ứng tích cực với giá thành giảm và nhu cầu bên ngoài gia tăng. Tuy vậy, giá đầu vào tăng mạnh (61,1 điểm) đã thách thức khả năng chịu đựng của doanh nghiệp trong một môi trường ngày càng bất lợi. Chỉ số tồn kho tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, còn chỉ số tiêu thụ tăng 7,7% cho thấy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp còn tương đối chậm.

Hoạt động thương mại trong tháng không bị ảnh hưởng bởi tình hình trên biển Đông. Tuy nhiên, lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực một khi quan hệ kinh tế với Trung Quốc xấu đi khiến triển vọng về xuất nhập khẩu và tăng trưởng bớt sáng sủa hơn so với những dự báo hồi đầu năm. Xuất khẩu đạt 12 tỉ USD trong tháng 5 (thấp hơn 8% so với tháng 4) nâng tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm lên 58,5 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng hàng hóa nhập khẩu đạt 56,8 tỉ USD, tăng 10%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư sau Mỹ, EU và ASEAN và là nguồn cung nhập khẩu số 1 của Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài đã ít nhiều bị dao động sau khi các cuộc biểu tình tại Bình Dương và Hà Tĩnh kéo theo những hành vi bạo lực và phá hoại nhà xưởng và máy móc. Dù hậu quả đã được nhanh chóng xử lý và hầu hết các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, nhưng vẫn còn đó những nghi ngại về khả năng duy trì môi trường đầu tư ổn định như Chính phủ đã cam kết và điều kiện làm việc của lao động tại các doanh nghiệp nước ngoài. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đạt 3,67 tỉ USD, giảm 17%, trong khi FDI giải ngân đạt 4,6 tỉ USD, bằng xấp xỉ năm ngoái.

Hoạt động bán lẻ vẫn chịu chi phối bởi sự cải thiện chậm chạp trong nhu cầu và niềm tin tiêu dùng. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm nay tăng 6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,5% của 4 tháng đầu năm. Niềm tin tiêu dùng quý I chỉ nhích thêm 1 điểm so với quý IV năm ngoái, lên mức 99 điểm, theo Nielsen. Độ trễ của tiêu dùng so với hoạt động sản xuất và xuất khẩu càng cho thấy những phục hồi này không bắt nguồn từ các yếu tố trong nước.

Tín dụng tăng 1,31% trong 5 tháng đầu năm cũng biểu thị không có sự đột phá nào từ phía cầu, dù lãi suất vẫn trong xu thế giảm. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể vẫn tiếp tục tăng trong tháng 5, còn số doanh nghiệp thành lập mới chỉ xấp xỉ năm ngoái. Xu hướng giảm đòn bẩy tài chính khiến dư nợ bằng tiền đồng giảm, trong khi tăng trưởng tín dụng được bù đắp bởi ngoại tệ (tăng 11%) nhờ xuất khẩu sôi động.

Thị trường tài chính bất ổn do tâm lý nhà đầu tư dao động và lo ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm. Các chỉ số chứng khoán lao dốc, giá vàng và tỉ giá thị trường tự do tăng vọt đều là những phản ứng điển hình mỗi khi nhà đầu tư bị kích động bởi tin đồn và niềm tin lung lay.

Thời gian sắp tới sẽ chứng kiến kết cục của các tranh chấp lãnh hải và sức chịu đựng của nền kinh tế trước các yếu tố có xu hướng gây bất ổn và cản trở tăng trưởng. Những ràng buộc lên tăng trưởng, cùng một loạt vấn đề trong ngắn và trung hạn, đang đòi hỏi quyết tâm cải cách mạnh mẽ về mô hình kinh tế, con đường phát triển và tư duy điều hành kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc, tăng cường tính đa dạng và linh hoạt.

Hoạt động kinh tế chủ yếu sẽ vận động trên những xu hướng lớn đã hình thành nhưng sẽ chịu tác động không nhỏ từ căng thẳng phát sinh gần đây. Trong đó, du lịch, đầu tư, các dự án và công trình được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc đã có dấu hiệu đình trệ. Hai kịch bản dự báo tăng trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR phản ánh mức độ ảnh hưởng từ sự kiện này, nhiều khả năng tăng trưởng cả năm sẽ không vượt quá 5%. Kịch bản thấp dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ là 4,88%

Nguồn : nhipcaudautu