Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế thế giới 2016: Tây sáng, Đông mờ

Kinh tế thế giới 2016: Tây sáng, Đông mờ

Kinh tế Mỹ sáng sủa hơn trong bối cảnh không mấy lạc quan của các nền kinh tế đang phát triển, mang lại thế cân bằng cho những dự báo về tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016.

Đọc E-paper

Sau một năm trồi sụt thất thường, sự phục hồi kinh tế dường như đang bắt đầu đứng vững tại Hoa Kỳ. Dấu hiệu này được xác nhận qua quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính. Standard and Poor dự trù mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ là 2,7% trong năm 2016. Bà Beth Ann Bovino, kinh tế gia trưởng của S&P nói: “Đó là tin vui, chúng ta đang chứng kiến sự tăng tiến, và hy vọng được thấy nền kinh tế càng ngày càng vững mạnh. Chúng ta hy vọng thấy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn một ít, gần mức 4,6% vào cuối năm tới”.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 không được lạc quan so với những gì đang diễn ra tại Mỹ. Triển vọng phát triển kinh tế trên toàn thế giới thấp hơn so với Hoa Kỳ, ít nhất là tại các nước đang phát triển. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về triển vọng kinh tế toàn cầu dự báo về những tác động tiêu cực đối với nhiều thị trường trước quyết định nâng lãi suất của FED.

Và khi năm 2016 bắt đầu,những lo âu vẫn còn kéo dài có liên quan đến tình trạng tăng trưởng chậm hơn ở châu Âu và Trung Quốc. Bà Beth Ann Bovino nhận định: “Rõ ràng mọi chuyện có thể trục trặc, chắc chắn chúng ta thấy có những lo lắng tại khu vực đồng Euro, tình trạng sụt giảm tại Trung Quốc, tất cả những sự kiện này cho thấy có một con đường mấp mô ở phía trước, nhưng tôi không nhất thiết phải nói rằng những việc đó chứng tỏ là có thể xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế”.

Kinh tế châu Âu và Nhật Bản năm tới được dự báo yếu hơn. Không như Mỹ, tăng trưởng chậm mà chắc từ sau 2009, cả hai nền kinh tế trên đều đang đi lùi. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể giảm thêm lãi suất và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã sẵn sàng mua thêm trái phiếu để hạ lãi suất dài hạn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, phản ánh tăng trưởng thương mại không mấy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Theo báo cáo của OECD, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2016, giảm so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh các thị trường mới nổi ngày càng suy yếu.

Tuy nhiên, OECD tăng mức dự báo lên 3,6% trong năm 2017 với sự sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế, củng cố phục hồi tại các nước phát triển và giảm tốc mạnh tại các nước mới nổi. Suy giảm tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển như Nga, Brazil… do gặp bất lợi từ việc FED nâng lãi suất, khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào cũng như từ sự suy giảm sản lượng xuất khẩu, dẫn đến sụt giảm tổng giá trị xuất khẩu…

Các chuyên gia thế giới tin rằng, kinh tế toàn cầu sẽ có được sự cải thiện phần nào về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, sau 4 năm suy thoái liên tục ở các nền kinh tế lớn (2011- 2014). Với việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhanh hơn, doanh số của các công ty sẽ khấm khá hơn, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập nhanh hơn và sẽ tạo một cú hích lớn cho thị trường chứng khoán của thế giới so với năm 2015. Vì vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP toàn cầu năm 2016 tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với 3,1% của năm 2015 và tương đương trung bình 3,5% giai đoạn 1980 – 2014. “Tuy vậy, khả năng quay về thời kỳ tăng trưởng mạnh và đồng bộ trên toàn cầu vẫn còn khó”, IMF cho biết.

HÀ CÚC