Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế thế giới : Chu kỳ suy thoái mới?

Kinh tế thế giới : Chu kỳ suy thoái mới?

Kinh tế thế giới thường có chu kỳ suy thoái mỗi 7-8 năm/lần trong suốt 50 năm qua, rõ ràng nếu tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008 thì thời điểm này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái.

nga-syriava11b

Đây là phân tích của chuyên gia Ruchir Sharma thuộc Morgan Stanley Investment Management. Ông cho rằng thường thì kinh tế thế giới cứ sau 7-8 năm sẽ lại rơi vào một cuộc suy thoái sau đó lại dần dần hội phục.

Xem ra không phải những dự báo của Ruchir Sharma không có cơ sở bởi gần đây, các đầu tầu kinh tế thế giới như Trung Quốc, Mỹ… đều có sự suy giảm. Các số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng chậm lại, trong khi kinh tế châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch.

Đặc biệt là sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc khiến giới phân tích tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới 2015 và thậm chí là 2016 không mấy sáng sủa. Gần đây, các chỉ số của giới chức Trung Quốc đưa ra đều bất lợi cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang gặp nhiều khó khăn từ hồi đầu năm. Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết, GDP quý III của nước này tăng trưởng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ 2009.

Hầu như các ngành kinh tế của Trung Quốc đều giảm mạnh, chẳng hạn sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 9 chỉ tăng khoảng 5,7% so với tháng 9 năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1,1% trong tháng 9/2015 cho thấy rủi ro trong sự suy giảm nhu cầu trên toàn thế giới. Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại ở mức 263 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42,4 tỷ USD). Rõ ràng, 7% là con số quá khiêm tốn so với thời hoàng kim của Trung Quốc chỉ cách đây vài năm, thường thì mỗi năm tăng khoảng 10%.

Nhưng có vẻ không chỉ Trung Quốc giảm tốc mà dường như bóng ma kinh tế Trung Quốc đang lan sang cả Mỹ khi các số liệu thống kê cho thấy chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) tháng 9/2015 của Mỹ đạt 53,1 điểm, mức gần thấp nhất kể từ tháng 10/2013.

Người ta càng lo lắng hơn khi gần đây liên tiếp nhiều dự báo của các chuyên gia hàng đầu thế giới đều có chung quan điểm kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ thời Ngân hàng đầu tư lớn Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ hồi năm 2008.

Một nhận định gần đây của cựu Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ, nay là giáo sư của trường Havard, ông Larry Summers khá trùng khớp với nhận định mà các chuyên gia của Morgan Stanley Investment Management. Đó là trong khi các nền kinh tế phát triển đang ở trạng thái “trì trệ thường kỳ” thì ngay cả các nền kinh tế mới nổi, vốn được kỳ vọng là sẽ kéo kinh tế thế giới bứt lên như Trung Quốc lại đang rất xấu, thậm chí là sa sút nghiêm trọng.

Còn Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội quốc gia Anh (NIESR) gần đây cũng đưa ra dự báo rằng, GDP thế giới trong năm 2015 và 2016 có thể giảm xuống còn lần lượt 3% và 3,5%, từ mức dự báo tương ứng 3,2% và 3,8% đưa ra trước đó.

Điều người ta lo lắng là chiều hướng này có thể dẫn tới một vòng luẩn quẩn trên toàn cầu, kinh tế của các nước phát triển có thể ảnh hưởng xấu tới các thị trường mới nổi, điều đó khiến kinh tế của các nước đã khó lại càng trở lên khó hơn.

Bởi thế, những dự báo của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như WB, IMF, ADB… gần đây đều rất thận trọng, thường thì chính họ lại điều chỉnh các chỉ số thấp hơn các chỉ số mà chính họ đã đưa ra trước đây cả trong ngắn hạn và dài hạn của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Những dự báo gần đây về tăng trưởng GDP của các nước đều giảm. Chẳng hạn, so với dự báo năm 2012, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP danh nghĩa năm 2020 của Mỹ: 6%, của châu Âu: 3%, của Trung Quốc: 14%, của các thị trường mới nổi: 10% và của nền kinh tế thế giới: 6%…

Còn theo báo cáo mới nhất của WB, năm 2015 trở thành năm thứ 4 liên tiếp kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng đáng thất vọng. WB dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ tăng trưởng 2,8% (giảm so với mức 3% mà tổ chức tài chính này đưa ra hồi tháng 1/2015). Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017 dự báo vẫn ở mức 3,3% và 3,2%.

Nếu đúng như những gì chuyên gia Ruchir Sharma thuộc Morgan Stanley Investment Management dự báo thì rõ ràng kinh tế thế giới đang chuẩn bị bước vào một chu kỳ suy giảm. Điều này buộc các nền kinh tế lớn trên thế giới phải đưa ra các chiến lược thận trọng hơn nếu muốn kinh tế không rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu.

T.Anh