Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

Việt Nam hiện đang đứng thứ 99/189 nền kinh tế về xếp hạng môi trường kinh doanh theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong khi GDP tính theo đầu người đến thời điểm năm 2014 mới đạt 1.400USD. Mức thu nhập này theo tính toán là quá thấp nếu đặt trong tương quan so sánh với mức độ xếp hạng của Việt Nam.

Năng lượng Mới số 349

Với thứ hạng này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt khoảng 7.545USD, cao hơn mức thực tế đã đạt được cùng thời điểm. Vậy làm gì để có thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từ đó để thu nhập bình quân của người Việt ở mức đáng có là trên 7.000USD/năm.

Thời gian là tiền bạc

Nhìn lại thực tế tại Việt Nam: Chỉ số nộp thuế xếp hạng 149, doanh nghiệp mỗi năm mất 872 giờ dành cho việc này, trong khi đó nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ. Với chỉ số thương mại qua biên giới, doanh nghiệp mỗi năm mất 21 ngày để làm thủ tục xuất khẩu và 21 ngày để nhập khẩu. Về tiếp cận nguồn điện, doanh nghiệp phải trải qua 6 thủ tục, mất 115 ngày để giải quyết. Bên cạnh đó, tại Việt Nam còn quá nhiều số định danh, trong đó đối với doanh nghiệp gồm có số đăng ký kinh doanh, mã số thuế, BHXH; với người dân là mã số thuế cá nhân, chứng minh nhân dân, số BHXH… Càng nhiều số định danh càng làm tăng sai sót và tạo cơ hội trốn, lách luật, gây khó cho cơ quan quản lý. Hơn nữa, thời gian để doanh nghiệp xin được giấy phép hoạt động, nếu quy đổi ra tiền sẽ ra con số rất lớn.

Làm gì để cải thiện  môi trường kinh doanh?

Cải cách thủ tục hành chính sẽ là bước quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam

Muốn cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh, tới đây các cơ quan quản lý cần đổi mới từ nhận thức và cách tiếp cận với các giải pháp, nếu không rất khó đạt mục tiêu. Phải làm gì để giảm quy trình thủ tục thuế – hải quan giảm xuống 1/4 thời gian so với hiện tại tức là còn khoảng 170 giờ. Có 3 thách thức mà các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính phải vượt qua: Thứ nhất là thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, bởi luật pháp thanh, kiểm tra của Việt Nam đang còn nhiều bất cập.

Thứ hai là về thời gian giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, có tình trạng doanh nghiệp không biết những khiếu nại của mình thực tế đang nằm ở đâu, mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Thứ ba là so với quy định quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam còn 6 loại tờ khai phải làm, ta xem có thể bỏ được không?

Chuyên gia McGill khẳng định, thực tế, nếu Việt Nam giảm được thời gian làm thủ tục hành chính tương đương những nước thuộc Top 10 thì tổng kim ngạch thương mại sẽ tăng 50%. TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cùng quan điểm: “Trước hết chúng ta phải nhìn yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu cải cách thể chế, cải cách cải thi

ện môi trường kinh doanh, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, đòi hỏi mức tăng trưởng từ 7,5% trở lên. Tại sao các nước cải cách được mà ta không làm được, rất nhiều nước có thứ hạng như ta hiện nay trong 3-4 năm nhảy lên top 10 thế giới về cải thiện môi trường kinh doanh. Làm được điều đó cải thiện rất lớn đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là giảm thiểu rủi ro thương mại, giảm rủi ro pháp lý và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Và rõ ràng lợi nhuận DN sẽ tăng lên, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ trong việc ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ví dụ như theo chuyên gia quốc tế tính toán, nếu chúng ta cắt giảm được 1 ngày thủ tục thông quan qua biên giới, thủ tục thông hàng qua biên giới thì chúng ta có thể giảm 1% tổng kim ngạch về chi phí, tổng kim ngạch về xuất khẩu trong 1 năm. Hiện nay tổng kim ngạch xuất khẩu trong 1 năm gần 300 tỉ USD, rõ ràng việc giảm về thời hạn thông hàng giảm được khoản chi phí rất lớn”.

Sớm cải thiện thứ hạng

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 19 của Chính phủ là nâng các chỉ số cạnh tranh chính của Việt Nam ngang bằng mức trung bình của 6 nước ASEAN. Theo lộ trình, các cơ quan sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho các doanh nghiệp trong 3 chỉ số theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, đó là cải thiện thương mại qua biên giới, thuế quan và tiếp cận điện. Tại cuộc hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam”, các cơ quan Nhà nước liên quan bao gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, BHXH và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện kết quả của 3 chỉ số này từ nay đến năm 2015.

Bộ Tài chính đang quyết tâm giảm được 200 giờ trong tổng thời gian nộp thuế ngay trong năm nay. Giảm thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp từ mức 21 ngày xuống bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6: xuất khẩu là 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày. Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cũng cam kết rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa 70 ngày.

Ông Todd Hamner, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước, cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID lưu ý, để cải thiện được chỉ số này ở Việt Nam, chúng ta phải cải thiện rất nhiều mặt, thứ nhất là về luật pháp, về các cơ chế chính sách hiện tại cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành bởi vì đây là quy trình mà thuốc vệ trách nhiệm của chính phủ, do vậy các bộ ngành liên quan phải là đơn vị tích cực nhất thực hiện các điều này ngoài sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài chính từ các cơ quan nước ngoài. Chúng ta cải thiện được các quy trình này cũng như điều phối tốt thì việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam cũng không phải là một tương lai quá xa.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID và dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng cường toàn diện”, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ thực hiện những chương trình hành động nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi bắt đầu sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển tạo nhiều công ăn việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bảo Ngọc