Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Lạm phát năm 2015 tiếp tục thấp

Lạm phát năm 2015 tiếp tục thấp

Các chuyên gia kinh tế tiếp tục đưa ra dự báo về mức lạm phát năm 2015 và sự ảnh hưởng của nó.

Sáng 26-12-2014, Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế – Tài chính: năm 2014 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. CPI cả năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013. Đây là thông tin khá bất ngờ đối với các dự báo từ đầu năm của nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế và Nghị quyết của Chính phủ là khoảng 7%. Nguyên nhân do cầu tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều, giá xăng dầu giảm mạnh những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng thấp…

Ông Tuyến cũng đưa ra nhận định, năm 2015, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, giá dầu giảm kéo dài, chính sách tiền tệ không có đột biến, chính sách tài khóa tiếp tục được thắt chặt, giá một số mặt hàng thuộc diện quản lý giá không có biến động lớn. Dự báo năm 2015 CPI tiếp tục ở mức thấp, dao động trong khoảng 2-3%. Mức lạm phát nhiều khả năng kéo dài suốt giai đoạn 2016-2020 trừ khi số nợ xấu và rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.

Cầu tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện nhiều (ảnh: T.Xuân)

Bà Ngô Thị Ánh Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, đầu năm 2014, rất ít người có thể dự đoán CPI lại kết thúc ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Cụ thể, mức tăng CPI tháng 12-2014 so với tháng 12 năm trước tăng 1,84% so với tháng 12-2013 (bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,14%). CPI cả năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,09%.

Mặc dù vậy, bà Dương cũng lưu ý rằng, CPI tăng thấp là thấp so với chính chúng ta, còn trong khu vực thì dự báo CPI Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, tương đương với Campuchia, thấp hơn Indonesia, Lào, Myanmar. “Đây là điều cần phải suy ngẫm, tìm lời giải vì sao cùng phụ thuộc vào giá thế giới, cùng điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, nhưng trong khu vực, biến động giá cả ở Việt Nam vẫn cao hơn”.

Dự báo CPI năm 2015, bà Dương cho biết, với xu hướng hiện tại, lạm phát năm tới khoảng trên dưới 4%. Tuy nhiên, năm 2014 là năm yếu tố dịch bệnh, thời tiết, giá xăng dầu dường như đều tác động có lợi vào CPI thì điều này chưa chắc đã lặp lại vào năm 2015. Tuy nhiên, khi giá bán điện năm 2015 tăng lên 9,5% sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,05%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%. Nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ làm GDP tăng khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Bà Dương kiến nghị điều hành giá có lộ trình, linh hoạt bởi giá cả 2 năm qua dù có ổn định hơn nhưng chỉ là tạm thời bởi nền kinh tế chưa phát triển bền vững. Việc phân tích giá cả phải so với số cùng kỳ mới đồng nhất và theo thông lệ quốc tế.

Còn TS. Vũ Đình Ánh cho rằng  năm 2015 nếu lạm phát được kiềm chế dưới 5%  thì triển vọng kinh tế sẽ tươi sáng và ngược lại. Và nếu lạm phát dưới 5% thì còn dư địa để giảm lãi suất, Nếu lạm phát trên 5% thì lãi suất có khả năng tăng.

Theo các chuyên gia, lạm phát thấp tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, giúp thị trường tiền tệ ổn định, khuyến khích tiêu dùng giúpkinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, thu ngân sách gặp khó khăn, không kích thích đầu tư, thất nghiệp tăng, nếu kéo dài dễ suy thoái kinh tế./.

Minh Anh