Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Lo lắng vẫn bao trùm giới đầu tư toàn cầu

Lo lắng vẫn bao trùm giới đầu tư toàn cầu

Các dữ liệu mới vừa công bố càng làm cho giới đầu tư toàn cầu vẫn đang sống trong những nỗi lo về sự suy yếu của kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo mới nhất của Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 9 không thay đổi so với tháng 8, vẫn đứng ở mức 53, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Chỉ số việc làm tạo thêm cũng chậm lại trong tháng 9 khi giảm xuống 51,4 so với mức 52,4 của tháng 8.

Theo các chuyên gia của Markit, việc tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất thấp nhất 2 năm có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý III.

Chứng khoán Mỹ mở cửa khá tích cực sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng, đất nước của ông khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian dài nữa và không phá giá tiếp đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, những thông tin về PMI của Mỹ đứng ở mức thấp nhất 2 năm và PMI của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 6 năm rưỡi kéo chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, cũng sự lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng sau khi giá dầu giảm mạnh đã khiến nỗ lực đảo chiều của phố Wall trong phiên thứ Tư bất thành.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones giảm 50,58 điểm (-0,31%), xuống 16.279,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,98 điểm (-0,20%), xuống 1.938,76 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,98 điểm (-0,08%), xuống 4.752,74 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số PMI trong tháng 8 cũng giảm nhẹ xuống 53,9 trong tháng 9 từ mức 54,3 trong tháng 8 và cũng thấp hơn mức dự báo là 54,1. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu lại tạm thời thoát được nỗi lo PMI nhờ sự hồi phục của cổ phiếu ngành ô tô, mà dẫn đầu là Volkswagen với mức tăng 5,19% sau khi đã mất gần 1/3 giá trị trong 2 phiên bị bán tháo vừa qua do ảnh hưởng của những cáo buộc liên quan đến gian lận trong thử nghiệm phát thải của động cơ. Vụ bê bối này của nhà sản xuất ô tô Đức được Deutsche Bank gọi là “cơn ác mộng của nhà đầu tư” và dẫn đến sự từ chức của Giám đốc điều hành Martin Winterkorn.

Việc cổ phiếu Volkswagen tăng trở lại được cho là nhờ lực cầu bắt đáy ngắn hạn và nó đã giúp chứng khoán khu vực thoát khỏi nỗi lo về sự suy giảm kinh tế toàn cầu sau khi dữ liệu PMI của Mỹ và Trung Quốc thất vọng được công bố.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 96,4 (+1,62%), lên 6.032,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,96 điểm (+0,44%), lên 9.612,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,32 điểm (+0,1%), lên 4.432,83 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn đang nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục làm giảm mạnh hơn 2% sau khi chỉ số PMI của Trung Quốc giảm xuống 47 trong tháng 9 từ mức 47,3 trong tháng 8 và thấp hơn mức 47,5 mà giới phân tích đã dự báo. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy tình trạng sản xuất trì trệ. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số PMI của Trung Quốc dưới 50 điểm và cũng là mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua.

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán cá nhân mất mát lớn và do đó làm giảm chi tiêu tiêu dùng của giới trung lưu Trung Quốc. Một dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như kinh tế toàn cầu. Chi tiêu tiêu dùng trong nước đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2015, tăng so với mức 51,2% của năm 2014.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 493,67 điểm (-2,26%), xuống 21.302,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 69,73 điểm (-2,19%), xuống 3.115,89 điểm. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục nghỉ giao dịch.

Trên thị trường vàng, sau 2 phiên giảm liên tiếp đầu tuần, lực cầu bắt đáy ngắn hạn gia tăng đã giúp giá kim loại quý này hồi phục trở lại. Ngoài ra, những lo lắng của giới đầu tư về kinh tế toàn cầu sau khi chỉ số PMI của Mỹ, eurozone và Trung Quốc được công bố gây thất vọng cũng hỗ trợ cho giá kim loại quý này hồi phục. Tuy nhiên, đà hồi phục của giá vàng bị hãm bớt do ảnh hưởng của giá dầu thô lao dốc, làm ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường hàng hóa khác, trong đó có vàng.

Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay tăng 5,6 USD (+0,5%), lên 1.130,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 6,7 USD (+0,60%), lên 1.131,5 USD/ounce.

Chỉ số PMI của cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc gây thất vọng đã làm gia tăng nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu và khiến cho giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh, trong đó có giá dầu. Trong phiên thứ Tư, giá dầu thô giảm mạnh, đánh mất hết những gì đã có trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,88 USD/thùng (-4,23%), xuống 44,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,33 USD (-2,79%), xuống 47,75 USD/thùng.

T.Lê