Go to Top
Trang chủ > Tin tức > M&A ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư

M&A ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư

Theo TS. Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, M&A trong ngành Ngân hàng là xu thế tất yếu. Đặc biệt hiện nay, ngân hàng vẫn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài.
.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng nội tiếp cận với nguồn vốn, năng lực quản trị, kinh nghiệm của các ngân hàng, nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Việc HDBank và DaiABank về chung một mái nhà chỉ còn là thủ tục. Trao đổi, chia sẻ mục tiêu và kỳ vọng của ngân hàng “hậu sáp nhập”, TS. Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, HDBank và DaiABank là hai NHTM hiện đang hoạt động tốt và có triển vọng trên thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước thách thức của tiến trình hội nhập cũng như nhằm tăng năng lực cạnh tranh và tạo ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, HDBank và DaiABank nhận thức tái cấu trúc là một cơ hội lớn để ngân hàng bứt phá, phát triển nhanh.

Việc lựa chọn phương án sáp nhập HDBank và DaiABank đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng; được đánh giá tư vấn của một công ty kiểm toán hàng đầu. Giải pháp này được xem là sự lựa chọn phù hợp, tiết kiệm nhất về thời gian và chi phí trong bối cảnh hiện tại. Bởi ngân hàng sau sáp nhập có quy mô vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng. Tổng tài sản ngân hàng lên đến khoảng 85.000 tỷ đồng, hệ thống mạng lưới hơn 210 điểm giao dịch trên toàn quốc…

Qua đó, ngân hàng sẽ có điều kiện phát triển nhanh và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng đạt chuẩn quốc tế với một chi phí hợp lý nhất. Mạng lưới rộng lớn hơn sẽ tạo tiền đề ngân hàng khai thác, phát triển dịch vụ trên thị trường bán lẻ.

Sau sáp nhập, HDBank kỳ vọng tạo ra một định chế tài chính mới vững mạnh hơn, tăng trưởng vượt bậc về quy mô, tạo ra giá trị cộng hưởng lớn, đem lại lợi ích cho xã hội, nhà nước, cho khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên của ngân hàng.

Yếu tố nào là “cần và đủ” để giúp ngân hàng mới có sức mạnh mới, thưa ông?

Theo tôi, việc lựa chọn hình thức hợp nhất hay sáp nhập trong tiến trình tái cấu trúc phụ thuộc vào tình hình cụ thể và đặc thù của từng TCTD. Song cần phải đảm bảo nguyên tắc sau khi ngân hàng hợp nhất hay sáp nhập phải mạnh hơn về tiềm lực tài chính, lớn hơn về quy mô, tốt hơn về quản trị. Và quá trình hợp nhất – sáp nhập phải diễn ra nhanh chóng, thuận lợi trên cơ sở tự nguyện và tốn ít chi phí nhất.

Theo ông, có nên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu qua hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A)?

Tái cấu trúc lại hệ thống TCTD là một việc phức tạp, có thể đụng chạm nhiều bên liên quan và, ở Việt Nam, do chưa có tiền lệ nên không có nhiều kinh nghiệm để xử lý. Cho nên những khó khăn và vướng mắc trong tiến trình này là tất yếu.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, đặc biệt qua Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, việc tái cấu trúc các ngân hàng đã, đang diễn ra một cách hiệu quả. Có thể nhìn thấy và đánh giá được thông qua việc hợp nhất, sáp nhập, tự tái cấu trúc của một số TCTD trong thời gian qua.

Thay vì các TCTD tìm cách này hay cách khác để có thể tự tái cấu trúc thì qua M&A, ngân hàng tận dụng được tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, năng lực quản trị điều hành của các bên để “làm mới” mình, nhất là tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí. Trên thực tế, kinh nghiệm của thế giới cũng chứng minh các hoạt động M&A là một trong những phương thức nhanh nhất “hóa giải” khó khăn trong tiến trình tái cấu trúc.

Liệu đây là thời điểm nước rút cho các cuộc M&A ngân hàng?

M&A trong ngành Ngân hàng là xu thế tất yếu. Đặc biệt hiện nay, ngân hàng vẫn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng nội tiếp cận với nguồn vốn, năng lực quản trị, kinh nghiệm của các ngân hàng, nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Hy vọng với những thay đổi tích cực trong chính sách của Chính phủ, NHNN, thời gian tới xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ hơn. Đây là điều kiện tốt để các ngân hàng Việt Nam sau một thời gian ngắn có thể đạt được mức cạnh tranh tương đương ngân hàng trong khu vực cũng như các ngân hàng lớn trên thế giới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Theo Thời báo ngân hàng