Liên tiếp đón “đại gia”

Chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã trở thành điểm dừng chân của Vingroup và Sungroup – những tên tuổi lớn trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng, Trung tâm thương mại Vincom Hạ Long đã đi vào hoạt động vào tháng 10.2014. Tiếp đó, tập đoàn này cũng bỏ ra cả nghìn tỉ đồng để xây dựng khu resort 5 sao tại đảo Rều và mới đây khởi công xây dựng Bệnh viện cao cấp Vimec. Trong khi đó, Sungroup đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đại dự án du lịch, với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng tại TP.Hạ Long, với điểm nhấn là Công viên Đại dương và cáp treo xuyên Cửa Lục. Dự án này mở ra khả năng kết nối hiệu quả du lịch Bãi Cháy – Hòn Gai. Tập đoàn này cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, dự kiến khởi công vào 27.3 tới. Đến sau 2 tập đoàn trên, nhưng My Way cũng vừa khởi công khu phố thương mại kiến trúc Pháp – Times Garden, trị giá 30 triệu USD.

Mở đầu cho những cuộc dừng chân của các “ông lớn” tại vùng đất tiềm năng này là Tập đoàn Texhong (Hồng Kông, Trung Quốc), với dự án Nhà máy sợi 300 triệu USD. Hai năm sau đó – tháng 11.2014, tập đoàn này khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng công nghiệp Texhong Hải Hà, với tổng mức đầu tư 4.520 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn khác, như Tập đoàn Hạnh Phúc (Đài Loan, Trung Quốc), Rent a Port (Bỉ), AES (Mỹ), Tập đoàn Yazaki (Nhật Bản). Trong đó, AES dự kiến sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện thứ 2 tại Quảng Ninh với vốn đầu tư 2,4 tỉ USD, Yazaki sắp khởi công dự án nhà máy sản xuất dây dẫn điện ôtô trị giá 30 triệu USD. Dự kiến ngày 15.4 tới, Cty TNHH Limitless World, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ khởi công xây dựng dự án Hạ Long Star tại phường Bãi Cháy, với vốn đầu tư 550 triệu USD.

Xuôi ngược thuyết phục nhà đầu tư

Các nhà lãnh đạo Quảng Ninh suốt thời gian qua xuôi ngược khắp nơi, cả trong và ngoài nước, để tìm và thuyết phục nhà đầu tư về với mình. Sự quyết liệt vào cuộc của các nhà lãnh đạo cao nhất, kéo theo các cơ quan, đơn vị giúp việc cũng phải cuốn vào guồng quay, mà người dân và DN được hưởng lợi nhiều nhất. Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền, lãnh đạo Quảng Ninh trực tiếp cùng các DN tháo gỡ; những gì vượt thẩm quyền, cùng các nhà đầu tư làm việc trực tiếp với các bộ, ngành T.Ư tìm giải pháp. “Cách làm của Quảng Ninh tạo cho DN cảm giác gần gũi, yên tâm, rằng chúng tôi luôn đồng hành cùng họ trong mọi hoàn cảnh” – ông Trương Mạnh Hùng – Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh – nói.

Từ thực tế Quảng Ninh, không ít vướng mắc về cơ chế, thủ tục… đã được tháo gỡ và trở thành mô hình điểm cho cả nước. Theo một nhà đầu tư, cùng với tiềm năng lợi thế vượt trội, thì tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm và “nói đi đôi với làm” của lãnh đạo Quảng Ninh đã khiến giới đầu tư ngày càng quan tâm. Vì những điều đó, có nhà đầu tư đã quyết định chuyển toàn bộ hệ thống máy móc hàng chục triệu USD về Quảng Ninh, thay vì thực hiện ở địa phương khác như đã định. “Việc Quảng Ninh làm đường Hạ Long – Hải Phòng với số vốn trên 16.000 tỉ đồng cho thấy quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo địa phương này. Con đường này sẽ phá thế độc đạo của QL 18 thường xuyên ách tắc và mở toang thêm một cánh cửa mới không chỉ cho Quảng Ninh. Không nhà đầu tư nào muốn chậm chân trước khi tuyến đường hoàn thành” – nhà đầu tư này chia sẻ.

Đến nay, Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 190 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt 113.873 tỉ đồng (tương đương 5,42 tỉ USD). Với vốn đầu tư nước ngoài, Quảng Ninh cũng cấp mới 16 dự án, điều chỉnh 23 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 1,073 tỉ USD, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 97 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,84 tỉ USD, đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguồn: laodong.com.vn