Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ngân hàng cấp tập xử lý nợ xấu

Ngân hàng cấp tập xử lý nợ xấu

Theo Chỉ thị  02/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), từ nay đến cuối năm 2015, các ngân hàng (NH) phải phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%. Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia dự đoán năm nay hành động của các NHTM sẽ khác. 

Cao điểm sáp nhập

Trong cuộc họp đầu năm của các hệ thống ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ năm 2015 hệ thống ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của tái cơ cấu và nửa đầu năm được xác định là cao điểm mà các ngân hàng lớn phải vào cuộc.

Kế hoạch sáp nhập Maritime Bank và MDB sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015.


Việc sáp nhập các NH được xem là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay trong kế hoạch giải quyết nợ xấu. Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, nợ xấu của các TCTD  tăng khá cao trong năm 2014, từ 4,69% lên khoảng 5,3%. Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân nợ xấu tăng chủ yếu mang tính kỹ thuật. Thứ nhất, do thực hiện Thông tư 02 và Thông tư 09 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, do đó, việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Thứ hai, việc đánh giá nợ xấu minh bạch và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với các TCTD có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng, nợ xấu tăng cao.

Vì thế, theo định hướng của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh,  dự kiến trước tháng 6/2015 sẽ hoàn thành các kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các TCTD thuộc diện cơ cấu lại trong năm 2015, đã được NHNN phê duyệt. Tuy các  kế hoạch cụ thể, hiện chưa được công bố, nhưng ông Tô Duy Lâm cho biết, định hướng trên sẽ có sự tham gia tích cực của các NHTM có vốn của nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn. “NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập của từng tổ chức tín dụng để đảm bảo các tổ chức tín dụng sau hợp nhất, sáp nhập hoạt động ổn định trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tiếp theo”, ông Lâm nói.

Trước mắt, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) và Ngân hàng phát triển Mê Kông (MDB) đã được xác định trong năm 2014 sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015. Ngoài ra, thêm hai thương vụ sáp nhập được nhắc đến gần đây liên quan đến hai NHTM Nhà nước là BIDV và VietinBank, sau khi hai ngân hàng này cho biết sẽ nhận thêm một ngân hàng khác trong quá trình tái cơ cấu thời gian tới. 

Cần sự phối hợp của địa phương

Rõ ràng việc cơ cấu lại hệ thống NH thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại  (M&A) là cần thiết vì không chỉ giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng mà còn giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh trên thương trường. 

 Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cơ cấu hệ thống ngân hàng dù dưới hình thức M&A hay cho giải thể, phá sản thì xử lý tài sản, đặc biệt các nghĩa vụ nợ là phức tạp và khó khăn nhất do quy mô rất lớn và xác định giá trị tài sản không hề đơn giản. Chính vì vậy, khẩn trương bán nợ xấu cho VAMC cũng là một trong những mục tiêu, kế hoạch được NHNN đặt ra nhằm đảm bảo đến ngày 30/6/2015, phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu và chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC không dưới 75% tổng số nợ xấu cả năm 2015. 

Ngoài ra, nhiều  NHTM cũng đề xuất các địa phương nên có những đơn vị chuyên trách phối hợp với ngành NH để xử lý triệt để những khoản nợ xấu từ những năm trước đây. Nếu không xử lý được các điểm nghẽn trong phát mãi tài sản đảm bảo thì các NH dù muốn cũng khó giải quyết nhanh chóng được các khoản nợ xấu. 

Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng VPĐD Agribank tại TP Hồ Chí Minh, đề nghị thành phố cần làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên – Môi trường để rà soát lại quy hoạch về đất đai, điều chỉnh những vùng quy hoạch đất treo quá 3 năm và điều chỉnh thông tin quy hoạch trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân thuận tiện thế chấp tài sản vay vốn NH. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, UBND TP Hồ Chí Minh nên tổ chức chủ trì một cuộc họp xử lý nợ giữa NH và chính quyền địa phương vì hiện nay có nhiều hồ sơ vướng mắc không xử lý được. 

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, chính quyền thành phố sẽ không đứng ngoài cuộc trong quá trình xử lý nợ xấu và sẽ có những chỉ đạo cụ thể đến các cơ quan, ban, ngành để cùng với NHNN thành phố và các TCTD trên địa bàn thực hiện. Trước mắt, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo rà soát các dự án quy hoạch treo quá 3 năm. Nếu dự án nào đã đầu tư dưới 50% thì sẽ cho dừng lại, các dự án đã đầu tư trên 50% thì chia ra thành từng nhóm căn cứ vào tiến độ thi công, khả năng tài chính để có kế hoạch đầu tư tiếp theo.     


Bài và ảnh: Hải Yên