Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ngành thép đối mặt một năm “vất vả”

Ngành thép đối mặt một năm “vất vả”

Xu thế hội nhập đang mở rộng cửa thị trường Việt Nam, đón các đối thủ ngành thép thế giới nhảy vào thị trường Việt Nam. Lượng sắt thép nhập khẩu năm 2014 lên tới gần 11,5 triệu tấn, tăng 21,5% so với năm 2013. Hàng nhập khẩu đang có xu hướng “ép” thép Việt phải chạy qua các thị trường khác.

Với những DN ngành thép, biểu đồ chỉ số giá thép toàn cầu lao dốc trong suốt năm 2014, theo Steelhome giảm 9,3%, thực sự là “ác mộng”. Giá nguyên liệu giảm là nguyên nhân chính kéo giá thép đi xuống, có thể khiến các DN được “an ủi” phần nào, nhất là khi tiêu thụ đã vững lên. Nhưng, cung tiếp tục dư thừa khiến DN không dễ dàng góp nhặt lợi nhuận.

Cửa hẹp cho thép Việt năm 2014 nằm ở phía xuất khẩu, nhưng năm 2015 kịch bản kinh doanh đang bị che phủ bởi đám mây xám ngoét, với các hiệp định thương mại tự do có thể mở đường cho thép ngoại lấn lướt ngay trên sân nhà.


Chỉ số giá thép thế giới từ 20/12/2013 đến 20/12/2014

“Thép hợp kim giá rẻ nguyên tố Bo từ Trung Quốc vẫn ồ ạt nhập vào khiến nhiều loại thép rơi vào tình trạng cung vượt cầu; thép từ thị trường Nga cũng đang chực chờ nhập vào Việt Nam theo lộ trình ưu đãi thuế quan nên các DN sản xuất thép sẽ tiếp tục có một năm vất vả”, Bộ Công Thương trong một báo cáo phát đi mới đây “nhắn nhủ” DN.

Các thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, tăng trưởng của ngành năm 2014 đạt khoảng 12%, với đóng góp đáng kể của sản phẩm tôn. Tuy nhiên, so với công suất lắp đặt, lượng thép sản xuất năm qua mới chiếm khoảng 50%. Giá thép giảm khoảng 15-20% trong năm ngoái, nhưng chi phí đầu vào như than, điện… lại không giảm tương ứng.

Trong khi đó, xu thế hội nhập đang mở rộng cửa thị trường Việt Nam, đón các đối thủ ngành thép thế giới nhảy vào thị trường Việt Nam. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng sắt thép nhập khẩu năm 2014 lên tới gần 11,5 triệu tấn, tăng 21,5% so với năm 2013, đạt kim ngạch 7,6 tỷ USD, chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc.

Hàng nhập khẩu đang có xu hướng “ép” thép Việt phải chạy qua các thị trường khác. Theo Bộ Công Thương, liên tục từ năm 2010 tới nay, ngành thép Việt Nam đã xuất khẩu thép đạt khoảng 2 tỷ USD/năm. Vào năm ngoái, mặc dù giá thép giảm nhưng lượng thép xuất khẩu của DN Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng gần 16%, tương đương gần 2,56 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 1,95 tỷ USD.

Dù thực tế khả năng bán được cho các đối tác Mỹ, EU, các thị trường châu Phi, Trung Đông, nhưng thực tế thép Việt xuất khẩu đang phải đối mặt nhiều vụ kiện của các nước nhập khẩu. Tính từ năm 1994 đến năm 2013, sản phẩm ngành thép bị kiện 15 vụ.

Nhìn sang năm nay, Hiệp hội Thép dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước vẫn chưa thể tăng nhiều. Trong khi, nếu thuế nhập khẩu thép từ Nga về Việt Nam giảm theo Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA) thì chắc chắn các nhà sản xuất thép trong nước sẽ thêm điêu đứng. Ngoài ra, với chính sách của Chính phủ Trung Quốc về hoàn thuế VAT của mặt hàng thép hợp kim xuất khẩu (từ 7 – 13%), có khả năng lượng thép dây cuộn chứa Bo nhập về Việt Nam vẫn sẽ tăng.

Tất cả những thách thức đó buộc ngành công nghiệp thép Việt Nam phải cơ cấu lại và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, vừa nghiên cứu lợi thế xuất khẩu trong mấy năm qua để mở rộng thị trường.

Theo Bộ Công Thương, để có thời gian khắc phục những tồn tại từ công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên nhiên liệu… của DN ngành thép thì việc đàm phán ký kết cắt giảm thuế quan cũng cần cân nhắc lộ trình phù hợp để hội nhập, nhưng không bóp nghẹt và làm mất cơ hội của DN sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, để giúp ngành thép tăng trưởng bền vững, hiệu quả nhất là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thép.

Cùng với đó, tiếp tục đưa ra các rào cản thương mại, kỹ thuật cho thép cuộn chứa Bo nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp tục rà soát các dự án thép nhằm loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả để tránh đầu tư tràn lan gây mất cân đối cung cầu thép trong nước.

Về phía DN, do ngành thép nội địa còn non trẻ nên để cạnh tranh được thì các DN phải tự nâng cao năng lực sản xuất và tìm hướng đi phát triển, chứ không nên trông chờ hoàn toàn vào chính sách bảo hộ của Nhà nước.

Trong trường hợp bị kiện chống phá giá, các DN cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thông tin và hợp tác với các cơ quan điều tra, giúp quá trình điều tra chuẩn xác và thuận lợi. Quan trọng nhất là các DN phải thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc công nghệ và cấu trúc ngành nghề, có sự nỗ lực rất nhiều để đón đầu các cơ hội mới từ hội nhập.

Quân Vũ