Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ngừa rủi ro tỉ giá: Đừng để quá muộn

Ngừa rủi ro tỉ giá: Đừng để quá muộn

Sau một thời gian dài ổn định, tỉ giá đã bắt đầu biến động trở lại, khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp có vay nợ ngoại tệ như ngồi trên đống lửa.
.


Sự phập phồng này một phần là vì thời gian qua tỉ giá khá ổn định, nên doanh nghiệp chủ quan, không quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro tỉ giá. Một lý do quan trọng hơn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá, trong khi các công cụ này đã được sử dụng khá phổ biến trên thế giới.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc, Nghiệp vụ Ngân hàng toàn cầu, Kinh doanh vốn và ngoại hối HSBC Việt Nam, cho biết: “Mặc dù các ngân hàng đã triển khai mạnh các dịch vụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá tại Việt Nam từ năm 2005 nhưng cho đến nay số doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này vẫn không nhiều”. Ông nói thêm: “Một khi đã tham gia vào hoạt động giao thương trên thế giới, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro tỉ giá, bởi họ không thể kỳ vọng tỉ giá sẽ luôn không đổi”.

Trong số các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá, hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn là công cụ khá đơn giản được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Theo đó, hai bên cam kết sẽ mua bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một mức tỉ giá xác định tại ngày giao dịch và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai.

Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu dùng tiền đồng để mua nguyên vật liệu trong nước và sau khi xuất hàng đi, đối tác nước ngoài sẽ thanh toán bằng ngoại tệ. Rủi ro là ở chỗ thời gian thanh toán lại cách nhau vài tháng. Trong trường hợp giá ngoại tệ giảm vào ngày đối tác thanh toán, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.

Đây là lúc doanh nghiệp có thể sử dụng nghiệp vụ mua bán ngoại tệ kỳ hạn nhằm hạn chế phần lợi nhuận có thể mất đi. Trong trường hợp trên, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn với ngân hàng. Khối lượng ngoại tệ bán tương ứng với giá trị hợp đồng đối tác sẽ thanh toán. Ngân hàng sẽ đưa ra tỉ giá mua số ngoại tệ này của doanh nghiệp vào ngày doanh nghiệp nhận số ngoại tệ. Giá ngoại tệ kỳ hạn mà ngân hàng mua vào sẽ phụ thuộc vào tỉ giá giao ngay và chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và tiền đồng tại thời điểm giao dịch. Nếu lãi suất tiền đồng cao hơn lãi suất ngoại tệ, tỉ giá kỳ hạn sẽ cao hơn tỉ giá giao ngay tại thời điểm giao dịch và ngược lại. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn hủy hợp đồng kỳ hạn này, ngân hàng sẽ làm một giao dịch ngược chiều với giao dịch trên.

Ngược lại, đối với doanh nghiệp nhập khẩu, vào ngày thanh toán đơn hàng, giá ngoại tệ có thể tăng và để hạn chế mức độ thiệt hại do biến động tỉ giá, doanh nghiệp sẽ thực hiện hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn. Ngân hàng sẽ đưa ra giá ngoại tệ kỳ hạn dựa trên giá thị trường.

Bằng việc sử dụng hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, doanh nghiệp không những tránh được rủi ro biến động tỉ giá mà còn có thể kiểm soát được dòng tiền và hoạch định được ngân sách. Tuy nhiên, điểm hạn chế của hợp đồng này là doanhnghiệp sẽ mất chi phí cơ hội khi tiền đồng giảm giá nhiều hơn dự tính so với đồng USD (trong trường hợp nhà xuất khẩu bán ngoại tệ kỳ hạn) hoặc khi tiền đồng giảm giá ít hơn dự tính so với đồng USD (trong trường hợp nhà nhập khẩu mua ngoại tệ kỳ hạn).

Không chỉ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc phòng ngừa rủi ro tỉ giá cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp tham gia vào những hoạt dộng đầu tư có liên quan đến ngoại tệ.

Đối với những khoản vay có thời hạn dài, việc vay bằng ngoại tệ thường hấp dẫn hơn so với vay bằng tiền đồng. Tuy nhiên, những hợp đồng tín dụng ngoại tệ vay dài hạn thường áp dụng lãi suất thả nổi. Lãi suất vay thời gian sau này có thể cao hơn hoặc thấp hơn lãi suất vay tại thời điểm ký hợp đồng. Vì vậy, việc tính toán chi phí đầu tư dự án trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến việc xác định hiệu quả đầu tư.

Không những đối mặt với rủi ro lãi suất thả nổi có thể tăng lên, doanh nghiệp còn gặp một rủi ro khác, đó là doanh thu của công ty bằng tiền đồng nhưng phải trả nợ bằng USD. Để phòng ngừa rủi ro này, doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ hoán đổi tiền tệ (giữa USD và tiền đồng) và hoán đổi lãi suất USD. Công cụ hoán đổi tiền tệ sẽ giúp công ty chuyển nghĩa vụ thanh toán từ USD sang tiền đồng cho phù hợp với doanh thu mà không phải thay đổi chi tiết khoản vay. Trong khi đó, việc hoán đổi lãi suất USD sẽ giúp công ty chuyển nghĩa vụ trả lãi suất USD từ thả nổi sang cố định.

Lợi ích của công cụ hoán đổi tiền tệ là có thể thấy rõ. Thế nhưng, giống như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi tiền tệ cũng có một số hạn chế. Đó là doanh nghiệp sẽ mất chi phí cơ hội khi tỉ giá biến động thấp hơn so với dự tính.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nên xác định mục tiêu của việc sử dụng các công cụ trên là để phòng chống rủi ro và ổn định dòng tiền chứ không phải đầu cơ, trông chờ vào cơ hội gia tăng lợi nhuận nhờ chênh lệch tỉ giá.

Sau một thời gian dài giữ tỉ giá ổn định, vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỉ giá thêm 1%. Giá USD tăng là một lời cảnh báo đối với doanh nghiệp, bởi ổn định không có nghĩa là cố định.

Đặc biệt, đến cuối năm 2018, nền kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường như đã cam kết đa phương khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Thị trường Việt Nam sẽ áp dụng các luật chơi chung với quốc tế. Các luồng vốn sẽ ra vào Việt Nam một cách tự do. Khi đó, tỉ giá và lãi suất sẽ bị tác động lớn, có thể gây bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc doanh nghiệp có vay ngoại tệ. Trong bối cảnh này, công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Nhịp cầu Đầu tư