Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Nguồn cung dầu sẽ tăng bất chấp quyết định của OPEC

Nguồn cung dầu sẽ tăng bất chấp quyết định của OPEC

Thứ Sáu (5/6) vừa qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tiến hành phiên họp thường niên tại Vienna nhằm quyết định mức sản lượng mục tiêu cũng như các chiến lược kinh doanh trong năm.

Tuy nhiên, kết quả của phiên họp dường như không có nhiều ý nghĩa, bởi bất chấp quyết định của OPEC, nguồn cung dầu trên thế giới vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Kết thúc phiên họp, 12 quốc gia thành viên OPEC đã quyết định giữ nguyên mức sản lượng mục tiêu mỗi ngày ở 30 triệu thùng như hiện nay, đúng như dự đoán của rất nhiều chuyên gia trước đó. Ngay sau thông tin này, giá dầu thô giảm thêm 0,6% tại London, khiến giá dầu giảm tới 5,9% trong tuần vừa qua.

Giovannai Staunovo, chiến lược gia tại UBS Group AG cho biết: “Vấn đề quan trọng là sản lượng sẽ cao đến mức nào trong các tháng tiếp theo, không phải là chỉ tiêu đặt ra thế nào. Nếu họ tiếp tục sản xuất vượt chỉ tiêu như đã làm trong 12 tháng qua, mức hạn ngạch này không còn thỏa đáng nữa”. Ý kiến trên của Giovannai được rất nhiều chuyên gia đồng tình, bởi nguồn cung dầu trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Iran, Iraq và Libya trong tuần trước cho biết, các quốc gia này đang có kế hoạch bổ sung thêm hàng triệu thùng dầu vào thị trường trong năm nay. Ả Rập Xê út, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, hiện cũng đang giữ sản lượng dầu cung cấp ra thị trường cao nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Nhà lãnh đạo từ các công ty dầu mỏ lớn trên toàn cầu cũng hứa hẹn sự mở rộng bằng cách giảm giá và tập trung vào các mỏ dầu tiềm năng nhất.

Cuộc tranh giành thị phần trên thị trường ngày càng quan trọng hơn giá dầu, khi Ả Rập Xê út tiếp tục chào mời với giá thấp ngay cả khi mức giá đã giảm kỷ lục. Sự cạnh tranh này ngày càng dữ dội bởi các nhà sản xuất khao khát có thể bán được nhiều hơn khi mà nhu cầu tiêu thụ của thế giới lại giảm xuống.

Ed Morse, Giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa toàn cầu tại Citigroup cho biết: “Sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ khiến dầu khó có thể bán được, tuy nhiên Iran, Iraq và cả các quốc gia khác tại OPEC vẫn muốn sản xuất nhiều hơn nữa”.

Trước đó, dầu thô brent, loại dầu tiêu chuẩn, đã giảm 60%, từ mức 115,06 USD/thùng trong tháng 6/2014, xuống mức thấp nhất 6 năm ở 46,59 USD/thùng trong tháng 1/2015. Cho đến nay, giá dầu đã tăng lại 33% và giao dịch ở quanh mức 62,18 USD/thùng hôm thứ Sáu (5/6). Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (IEA) dự đoán dầu brent sẽ giao dịch ở mức trung bình 60,79 USD/thùng năm 2015.

OPEC đã vượt quá mục tiêu 30 triệu thùng/ngày trong suốt 12 tháng qua. 12 quốc gia thành viên trong nhóm đã đưa vào thị trường 31,58 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Sản lượng đầu ra trong tháng 4 của Ả Rập Xê út là 10,3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ những năm 1980.

Ả Rập Xê út dự báo mức tiêu thụ dầu toàn cầu mỗi ngày sẽ đạt 111 triệu thùng cho tới năm 2040, từ 93 triệu thùng hiện tại và tăng trưởng trung bình ít nhất 1% mỗi năm. Bộ trưởng Dầu mỏ của Ả Rập Xê út Ali al-Naimi cho rằng, giá dầu thấp sẽ kích thích tiêu dùng. Thêm vào đó, nhu cầu năng lượng của thế giới đã tăng 1,5% trong quý vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nguồn cung tăng 3,1%, theo IEA.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh, đã gửi thư tới OPEC nhằm yêu cầu tổ chức này để lại không gian cho Iran nâng cao sản lượng. Hiện Iran đang tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân nhằm gỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, tài chính đang được áp đặt lên nước này. Iran có thể nâng sản lượng xuất khẩu thêm 100.000 thùng/ngày ngay trong tháng 6.

Bên cạnh đó, tình trạng tạm ngừng sản xuất tại 2 cảng Ras Lanuf và Es Sider của Libya có thể chấm dứt vào cuối tháng 6 hoặc tháng 8, Al – Mabrook Abu Seif, Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya cho biết, việc khôi phục lại sản xuất cho phép quốc gia này cung cấp 1 triệu thùng/ngày, gấp đôi sản lượng hiện tại.

Michael Hewson, chiến lược gia cấp cao tại CMC Markets Plc cho biết: “Đây là một trận chiến về thị phần, không hơn không kém. OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng cho tới khi họ biết không một quốc gia nào bên ngoài OPEC có thể chống đỡ được họ. Vậy nên thay vì giảm, họ thậm chí nâng mức cung cấp lên”.

Trịnh Hằng (Theo báo chí nước ngoài)