Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam

Nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam

Dồn dập thông tin về việc các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đổ vốn vào Việt Nam.
Một hợp đồng hợp tác chiến lược vừa được ký kết. Theo đó, 4 tập đoàn gia dụng hàng đầu Hàn Quốc sẽ bỏ 45 triệu USD vào Tập đoàn Kangaroo (Việt Nam).

.






Một giấy chứng nhận đầu tư mới có thể được cấp ngay trong tháng 7 này. Và doanh nghiệp được nhận cơ hội mới là LG, một trong những tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc.

Kế hoạch đầu tư một tổ hợp sản xuất đồ điện tử và điện lạnh gia dụng, với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 1,5 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 300 triệu USD.

Dự án này, theo ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ, nơi LG sẽ đặt nhà máy, dự kiến thu hút khoảng 20.000 lao động. “Hiệu ứng khi LG đầu tư vào Hải Phòng là các doanh nghiệp vệ tinh của tập đoàn này sẽ nối tiếp đầu tư vào sản xuất linh, phụ kiện tại Việt Nam”, ông Long cho biết.

Đây có lẽ là câu chuyện tương tự trường hợp Samsung. Khi tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc này quyết định đầu tư tới 4,5 tỷ USD vào Việt Nam (2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và 2 tỷ USD ở Thái Nguyên), rất đông nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc đã quyết định sang Việt Nam đặt nhà máy.

Cuối tháng 5/2013, Haesung Vina đã khánh thành nhà máy sản xuất thứ hai tại Khu công nghiệp Khai Quang (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Công ty này chuyên sản xuất camera cho smartphone của Samsung và với nhà máy mới này, công suất của Heasung sẽ tăng từ 10 triệu sản phẩm/năm hiện nay lên 25 triệu sản phẩm/năm.

Trong khi đó, cuối tháng 5/2013, Keosan Vina Electronics cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp các loại máy, thiết bị điện tử kiểm tra các tính năng của điện thoại di động, như tính chịu lực, độ bền của máy, kiểm tra bàn phím… ở Bắc Giang. Vốn đầu tư của dự án không lớn, chỉ 400.000 USD, nhưng có thêm Keosan Vina, mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung càng dày thêm.

Theo ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex), tính đến nay, đã có 54 nhà đầu tư vệ tinh của Samsung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Con số sẽ còn lớn hơn nữa, khi tới đây, cả hai khu tổ hợp này đi vào hoạt động ổn định, với tổng sản lượng hơn 200 triệu sản phẩm điện thoại di động/năm, trở thành cứ điểm sản xuất mới của Samsung trên toàn cầu.

Samsung, LG chỉ là hai trong số rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã đến Việt Nam đầu tư. Thành công ở Việt Nam, còn có thể kể đến các tập đoàn lớn như Hyundai, Kumho Asiana, Lotte, CJ… Chưa kể, hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ khác.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lũy kế đến ngày 20/6/2013, có 3.352 dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 25,5 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng một lưu ý, khoản đầu tư khổng lồ của Samsung – 4,5 tỷ USD – chưa bao gồm trong số liệu thống kê này. Bởi lẽ, Samsung khi đầu tư vào Việt Nam đều thông qua công ty con ở Singapore, do đó, “thành tích” được tính cho quốc đảo ở khu vực châu Á, chứ không phải Hàn Quốc. Nếu tính cả khoản đầu tư của Samsung, thì Hàn Quốc đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, sau Nhật Bản.

Đánh giá về dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại về việc những đóng góp to lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với kinh tế – xã hội Việt Nam. Đặc biệt, việc các cam kết đầu tư thường nhanh chóng được triển khai khiến Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn mà các địa phương đều mong muốn “xúc tiến”.

Gần đây nhất, tỉnh Quảng Nam đã sang tận quốc gia này để xúc tiến đầu tư. Và một trong những dự án mà địa phương này quan tâm là Khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ Việt – Hàn Chu Lai. Dự án này có quy mô 5.000 ha, định hướng để phát triển thành một thành phố công nghiệp – đô thị – dịch vụ tổng hợp mang đậm văn hóa dịch vụ Hàn Quốc, trong đó tập trung kêu gọi các dự án công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo và lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ, các dự án đầu tư hạ tầng, dự án phát triển đô thị, du lịch.

“Tỉnh đã và đang tập trung tiếp xúc với các nhà đầu tư Hàn Quốc để kêu gọi đầu tư dự án này. Chúng tôi đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty C&N Vina – Hàn Quốc về việc đầu tư dự án khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Việt – Hàn Chu Lai với diện tích 1.600 ha”, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói và cho biết, trong khu vực này, trước mắt, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư Khu công nghiệp Tam Anh, với diện tích giai đoạn I là 200 ha, tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, để tới khoảng tháng 8/2013 tới, có thể bắt đầu thu hút đầu tư.

Còn tỉnh Nghệ An, hôm nay (12/7), cũng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc vào Nghệ An. Đây là cơ hội để tỉnh này kêu gọi thêm các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhằm tăng nhanh khoản vốn đầu tư hiện chỉ ở mức khiêm tốn – trên 60 triệu USD.

“Việt Nam đang có cơ hội tăng nhanh thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Kim Jung In, Chủ tịch Korcham, đã khẳng định như vậy và cho rằng, việc Việt Nam áp dụng lại chính sách ưu đãi thuế đối mới phần đầu tư mở rộng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp FDI tăng đầu tư.

Nguồn (baodautu.vn)