Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Nhìn lại 46 phiên đấu thầu vàng

Nhìn lại 46 phiên đấu thầu vàng

Cần có một khoảng lặng để nhìn nhận lại những tác động của các phiên đấu thầu vàng với nền kinh tế…
.

Tròn trịa 4 tháng (từ 28/3 đến 24/7/2013), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 46 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.245.400 lượng…

24/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng lần thứ 46 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 25.900 lượng trên tổng số 26.000 lượng chào thầu. Như vậy, trong tròn trịa 4 tháng (từ 28/3 đến 24/7/2013), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 46 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.245.400 lượng…


Có lẽ đến đây, cần có một khoảng lặng cần thiết để nhìn nhận lại những tác động của các phiên đấu thầu vàng với nền kinh tế…

Thị trường và “sàn đấu”

Sau một thời gian lên xuống khá nhịp nhàng ở mức cao, trong vòng mươi ngày cuối tháng 6/2013, một hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường vàng trong nước vào ngày 28/6 là giá vàng tụt xuống mức được đánh giá là “khủng khiếp” khi chỉ còn cách đáy 34 triệu đồng/lượng với khoảng cách quá mong manh, chạm đáy của hơn 2 năm rưỡi về trước.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, ngay trong buổi chiều 28 và ngày 29/6, “cú sốc” vàng đã nhanh chóng qua đi khi giá vàng phục hồi và đang tìm đường về ngưỡng trên dưới 39 triệu đồng/lượng, kết thúc một vòng xoáy vàng khiến nhiều người hoảng hốt.

Tính cho đến hết ngày 24/7, sau tròn 4 tháng triển khai đã có tổng cộng 46 phiên đấu thầu được tổ chức. Thành quả thu lại qua từng phiên khác nhau, nhưng nhìn chung có thể nói rằng đó là một sự thành công.

Sau 46 phiên, tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu là 1.245.400 lượng trên tổng số 1.348.000 lượng chào thầu… nghĩa là số lượng vàng bán được qua các phiên đấu thầu chiếm một tỷ trọng rất lớn trong lượng vàng mang ra chào thầu.

Mặt khác cũng không thể không tính đến một dòng tiền khổng lồ thu được qua các cuộc đấu thầu vàng, từ chênh lệch giá vàng nội ngoại cho ngân sách nhà nước như lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định cũng là một thành công.

Sau tất toán, vàng đấu thầu vẫn “cháy”

TS. Nguyễn Trí Hiếu trong buổi trao đổi với phóng viên sáng ngày 24/7 đã chỉ ra được một số vấn đề chính. Theo vị chuyên gia này thì việc Ngân hàng Nhà nước chủ động bơm một lượng vàng rất lớn vào thị trường để hỗ trợ các đơn vị trong hệ thống hoàn thành quá trình tất toán vàng theo hạn định của Ngân hàng Nhà nước (30/6) để ổn định trạng thái vàng, là một điểm rất tích cực.

Đồng thời, trong suốt thời gian đấu thầu 46 phiên kéo dài khoảng 4 tháng nay thị trường vàng thế giới và trong nước mặc dù có những biến động khá lớn nhưng thực tế đã không xảy ra tình trạng hoảng loạn trên thị trường cũng như, việc tranh mua tranh bán ồ ạt, mất kiểm soát như những năm trước đó, mặc dù cũng đã có những thời điểm (gần nhất là ngày 23/7) có tình trạng một số người đổ xô đi mua hoặc bán vàng.

Như vậy, 4 tháng diễn ra đấu thầu Ngân hàng Nhà nước vừa đóng vai người mua vào người bán đã cầm trịch và ổn định được thị trường trong nước. Đặc biệt, tình trạng “vàng hóa” đã giảm rất nhiều. Hiện người dân cũng chỉ xem vàng là một loại tài sản để cất giữ, tiết kiệm chứ hiện tượng giao dịch, mua bán đã không còn ồn ào, bấn loạn như trước.

Đặc biệt, điều cần thiết phải nhấn mạnh là trong quãng thời gian 4 tháng đã nói, nền kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát) đều không còn bị những tác động lớn từ những diễn biến trên thị vàng như trước đây nữa.

Tuy vậy, độ vênh giá giữa vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao. Đành rằng Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu chính của các phiên đấu thầu vàng lần này là ổn định thị trường và chứ không phải ổn định giá vàng, nhưng nói thật một lượng vàng lớn như vậy được tung ra mà giá vàng vẫn chênh lệch lớn như vậy thì đó là điều mà người dân khá thất vọng.

Đương nhiên, tình trạng vênh giá vàng vẫn được qui cho một nguyên nhân xưa cũ (nhưng cơ bản) là do thị trường vàng Việt Nam chưa liên thông với thị trường thế giới. Mà như phân tích của các chuyên gia thì mỗi thị trường đều có những đặc thù, cơ chế hoạt động riêng, thì nhiều lúc, nhiều nơi chuyện “lệch pha” giá vàng là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh này, yêu cầu phải có một sàn giao dịch vàng chính thống để các thông tin thị trường này được minh bạch hóa, công khai hóa cũng là một đòi hỏi cấp thiết.

Điều đáng ngạc nhiên hơn, một điều mà rất nhiều người đã chắc mẩm sẽ xảy ra sau ngày 30/6 (hạn chót tất toán vàng) là khi các ngân hàng thương mại đã hoàn thành tất toán, ổn định trạng thái thì cơn khát vàng sẽ được giải tỏa.

Nhưng không, thời điểm 30/6 đã trôi qua gần một tháng, nhiều phiên đấu thầu vàng tiếp tục được tổ chức, hàng trăm ngàn lượng vàng vẫn được Ngân hàng Nhà nước tung ra nhưng tổ chức phiên đấu thầu vàng nào thì vàng chào bán được bán hết veo phiên ấy. Lý giải căn cơ về hiện tượng này ra sao đây, đó cũng là một băn khoăn thú vị…

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)