Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Sau 5 năm, kinh tế Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

Sau 5 năm, kinh tế Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm (2011-2015), có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt.

Sau 5 năm, kinh tế Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

Ảnh minh họa.

Sáng 21/3, Quốc hội khoá 13 đã khai mạc kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13.
Đây được cho là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh việc tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, Quốc hội còn xem xét, tổng kết hoạt động của bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ 5 năm (2011-2015) vừa qua.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm qua của Chính phủ tại kỳ họp này, trong 26 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt và 10 chỉ tiêu không đạt.
16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, bao gồm: Tỷ lệ nhập siêu; nợ công so với GDP; nợ nước ngoài của quốc gia so với trong GDP; chỉ số giá tiêu dùng; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị; thu nhập thực tế của dân cư… (chi tiết xem tại đây)
Trong đó,  đáng kể là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015.
GDP 2011-2015 thấp hơn 5 năm trước
Trong khi đó, có tới 10 chỉ tiêu không đạt, bao gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2005, bình quân chỉ đạt 5,91%, trong khi đó kế hoạch đặt ra là 6,5-7,0%. Mưc tăng trưởng nãy cũng thấp hơn giai đoạn 5 năm trước.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra là do sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản.
Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp.
Chưa huy động được nhiều nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư phát triển. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực thấp, công nghệ còn lạc hậu…
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc, từ 123/139 (2010) lên 99/140 (2015); trong đó chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc, từ 103/139 (2010) lên 67/140 (2015)…
 Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chính phủ, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao.
Đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động chưa đạt
Một số chỉ tiêu rất quan trong khác vẫn không đạt được trong giai đoạn 5 năm(2011-2015), đó là: tỷ trọng đầu tư toàn xã hội so với GDP, bội chi ngân sách, nợ của Chính phủ so với GDP.
Cụ thể, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội so với GDP bình quân 5 năm 31,7% (kế hoạch 33,5-35%); Bội chi NSNN vào năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm 6,1% (kế hoạch < 4,5%); Nợ của Chính phủ so với GDP đến năm cuối kỳ khoảng 50,3% (kế hoạch không quá 50%)…
Ngoài ra,các chỉ tiếu như tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động xã hộo, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế… vẫn chưa đạt được như kế hoạch đặt ra.

Đánh giá về những kết quả đạt được và chưa đạt được trong 5 năm vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Đặc biết là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn ở những năm cuối; bước đầu thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và gìn giữ hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

MẠNH NGUYỄN